Hàng năm, đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch, người dân đất Phú Thọ nói riêng và người Việt Nam nói chung lại nô nức về Đền Hùng (trên núi Hùng hay còn gọi là núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) dâng những sản vật địa phương như gà, xôi, rượu, bánh chưng, bánh giầy… để thể hiện lòng thành kính thiêng liêng lên với các Vua Hùng.
Trao đổi với báo chí ngày 27-4 (9-3 âm lịch), ông Nguyễn Duy Anh, Phó giám đốc khu di tích đền Hùng, cho biết từ ngày khai hội (5-3 âm lịch) đến nay đã có khoảng 4 triệu lượt khách về đây để dâng hương lên các Vua Hùng.
“Theo dự đoán của ban tổ chức, năm nay toàn lễ hội có khoảng 7-8 triệu lượt người về dự lễ hội đền Hùng. Đến nay, ngày mùng 8-3 là đông nhất, ước tính khoảng 2 triệu lượt khách đổ về khu di tích” - ông Anh nói
Sáng nay 27-4 mặc dù trời nắng gắt nhưng hàng chục vạn người dân đổ về khu di tích đền Hùng. Trưa nắng, tại chân núi Hùng, hàng loạt người mua chiếu trải ngay tại đây nghỉ ngơi. Bác Đỗ Hồng Thu (SN 1949, quê Quang Kim, Bát Xát, Lào Cai), là thương binh hạng 3/4, chia sẻ: “ Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”, chắc hẳn người con đất Việt ai cũng thuộc câu này. Nhớ ngày Giỗ Tổ là nhớ đến tổ tiên, nhớ đến cội nguồn dân tộc mình. Mặc dù phải bắt xe từ sáng sớm lên đến đây trời nắng chang chang phải leo núi rất mệt nhưng tinh thần phấn chấn lắm. Về với mảnh đất tổ mới thấy được niềm tự hào và hạnh phúc làm sao”.
Lắp đặt 21 camera an ninh trong khu di tích
Trao đổi với Báo Người Lao Động, Đại tá Hà Minh Tân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, cho biết để đảm bảo trật tự an ninh của lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, Công an tỉnh Phú Thọ đã huy động gần 1.000 chiến sĩ cảnh sát, bố trí 5 chốt y tế khác nhau trong khu di tích đền Hùng. Đã lắp đặt 21 camera an ninh ở các tuyến đường, điểm, đền trong khu di tích đền Hùng để cập nhật thông tin thường xuyên trên sở chỉ huy lễ hội.
Ông Nguyễn Duy Anh cũng cho biết thêm, tất cả các dịch vụ như gửi xe, khách sạn, cửa hàng ăn uống… tại lễ hội đều phải có cam kết với ban tổ chức không được tăng giá, các cửa hàng phải niêm yết giá cả cụ thể để khách tham quan có quyền được lựa chọn. “Ban tổ chức đã phối hợp với bộ ban ngành thành lập tổ công tác liên ngành di động kiểm tra đột xuất. Nếu phát hiện ra trường hợp nào tăng giá bất thường sẽ lập biên bản và đình chỉ cửa hàng đó” - Phó giám đốc Khu di tích đền Hùng nói
Năm nay, Khu di tích Đền Hùng vừa khánh thành 1.091 bậc đá của đường lên Đền Thượng và xuống khu Đền Giếng vào ngày 4-4 vừa qua. Trong đó, chân cổng lên đến Đền Thượng là 490 bậc và 18 chiếu nghỉ; từ Đền Thượng xuống Đền Giếng là 601 bậc và 48 chiếu nghỉ, tổng trị giá 26 tỉ dồng. Toàn bộ công trình này được 3 đơn vị tài trợ, trong đó tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tài trợ 18 tỉ đồng, Công ty Bia-Rượu Hà Nội 5 tỉ đồng, tỉnh Đồng Nai là 3 tỉ đồng.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, trưa nay (9-3 âm lịch) tại nhiều ngả đường đổ về Trung tâm khu di tích đền Hùng đã rất đông người và phương tiện. Dòng người liên tục đội nắng đổ về đây để dâng hương, tham quan các di tích lịch sử trong khuôn viên Đền Hùng. Đặc biệt tệ nạn ăn xin và cờ bạc tại lễ hội không thấy xuất hiện. Tại các bãi đỗ xe đã chật kín xe, về giá cả hợp lý khách tham quan đều cảm thấy hài lòng.
Một số hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận tại Đền Hùng:
Dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, hàng ngàn người dân dải chiếu nghỉ tại đây chờ dâng hương lên các Vua Hùng
Giả cả trông giữ xe được niêm yết công khai
Bình luận (0)