Ngày 13-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) tiếp tục họp phiên toàn thể cho ý kiến về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2014; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và thi hành án năm 2014.
Án tham nhũng giảm thật hay phát hiện ít?
Liên quan đến công tác giam giữ phạm nhân, đại biểu (ĐB) Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu: “Chúng tôi nghe dư luận nói trong trại giam có một số bộ phận phạm nhân được ở rất sướng. Chẳng hạn như phạm nhân về tham nhũng. Phải chăng, đang có sự phân biệt đối xử, đề nghị cho kiểm tra?”. Trung tướng Tạ Xuân Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an, khẳng định không có quy định nào phân biệt đối xử với phạm nhân trong trại giam. Vấn đề đại biểu đặt ra, ông Bình nói mới nghe nói lần đầu nên sẽ cho kiểm tra.
Đối với tình trạng đưa vật cấm vào trại giam mà gần đây nhất là phạm nhân ở trại giam Tân Lập, tỉnh Phú Thọ lén đưa điện thoại vào chụp hình đưa lên facebook, ông Bình bày tỏ: “Mỗi ngày, phạm nhân ra vào lao động cải tạo cả ngàn lượt, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nên việc kiểm tra kiểm soát rất khó khăn”.
Trả lời về việc án tham nhũng năm 2014 giảm so với trước là do tham nhũng giảm hay khả năng phát hiện của cơ quan chức năng yếu, Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an, cho biết rất khó để đánh giá bởi đây là loại tội phạm ẩn, là chủ thể đặc biệt, có chức vụ quyền hạn gây khó khăn cho công tác điều tra, số người tố giác không nhiều mà thậm chí còn tiếp tay. Tuy nhiên, có thể nhận định tội phạm tham nhũng đã được kiềm chế bởi thời gian qua, Đảng, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt về phòng chống tham nhũng, lập cả Ban Nội chính trung ương để tuyên chiến với loại tội phạm này.
Cán bộ thi hành án phạm luật quá nhiều!
Dẫn con số tính đến ngày 31-7 đã có 87 cán bộ thi hành án dân sự bị kỷ luật, tăng 43 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề: “Nhiều năm qua, bình quân mỗi năm có trên dưới 100 cán bộ thi hành án dân sự vi phạm pháp luật là việc không bình thường. Đề nghị Bộ Tư pháp kiểm tra, rà soát chất lượng cán bộ”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - bà Lê Thị Nga - đánh giá: “Đây không chỉ là thái độ mà còn là vi phạm pháp luật. Chúng tôi cần câu trả lời cụ thể. Những tiêu cực trong hệ thống cần được kiểm tra, đánh giá và có giải pháp để hạn chế. Quốc hội rất vất vả để làm luật nhằm tăng thẩm quyền cho cơ quan thi hành án nhưng để có tình trạng này là không đáp ứng yêu cầu”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền tiếp thu các ý kiến trên và cho biết Bộ Tư pháp đã chuẩn bị đề án phòng chống tiêu cực trình cơ quan chức năng xem xét. Ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp cho biết thêm trong 2 năm gần đây đã kỷ luật 15-16 lãnh đạo các chi cục thi hành án có tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống. Việc xảy ra các hiện tượng tiêu cực có nguyên nhân khách quan là lượng án tăng cao, chỉ riêng năm 2014, giá trị thi hành án đã 100 ngàn tỉ đồng trong khi cả nước chỉ có 10.000 cán bộ thi hành án dân sự; nguyên nhân chủ quan là do năng lực, trình độ cán bộ.
Không để vụ Huyền Như “chìm xuồng”
Liên quan đến vụ án “siêu lừa” Lê Thị Huyền Như, nguyên trưởng phòng giao dịch ngân hàng VietinBank, lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng có trách nhiệm của nhiều ngân hàng khiến dư luận bức xúc, Trung tướng Trần Trọng Lượng cho biết: “Đây là vụ án trọng điểm được 3 ngành tố tụng xem xét rất thận trọng. Do thời hạn điều tra đã hết và nếu làm cùng lúc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng nên tách các vụ án liên quan đến các ngân hàng để điều tra tiếp. Chúng tôi vẫn tiếp tục làm, hoàn toàn không có chuyện chìm xuồng”.
Bình luận (0)