xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đà Lạt lo... ngập lụt!

Bài và ảnh: Nguyễn Tiến

90.000 ha rừng bị triệt phá, năng lực hệ thống thoát nước không theo kịp sự phát triển của đô thị, sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân... đã khiến TP Đà Lạt ngập chìm trong nước mỗi khi mưa to

Với độ cao 1.500 m so với mực nước biển và được các dãy núi cùng hệ thực vật rừng bao quanh, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, thành phố sương mù đang dần nóng lên, lũ lụt thường xuyên đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân khi mùa mưa đến.

Mùa mưa là có người chết

Ông Nguyễn Công Phương (ngụ phường 9, TP Đà Lạt) lo lắng: “Hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa là Đà Lạt có người chết do bị nước lũ cuốn trôi. Hàng trăm hecta hoa màu cùng nhà cửa và nhiều tài sản khác của người dân bị nước lũ cuốn phăng. Đà Lạt nay không khác các tỉnh miền Trung, phải căng mình chống lũ mỗi khi mưa đổ xuống”.

Cứ có mưa lớn là TP Đà Lạt lại ngập trong nước
Cứ có mưa lớn là TP Đà Lạt lại ngập trong nước

Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, cứ đầu mùa mưa (cuối tháng 4, đầu tháng 5), Đà Lạt thường xuyên bị ngập cục bộ. Nước từ thượng nguồn và hệ thống mương thoát nước thải đổ dồn về những khu vực trũng khiến nhiều người bị cuốn trôi, tài sản của người dân bị thiệt hại nghiêm trọng.

Ngày 12-4-2009, cơn mưa giông lớn khiến nhiều tuyến phố Đà Lạt ngập trong nước. Hôm đó, một đôi nam nữ đã bị nước lũ cuốn mất mạng cùng chiếc xe máy tại dòng suối cạnh ngã ba đường Nguyễn Công Trứ - Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chiều 26-4-2012, cơn mưa lớn trên diện rộng kéo dài 2 giờ đã gây ngập lụt cục bộ làm hàng chục nhà dân tại vùng hạ lưu hồ Than Thở bị ngập sâu trong nước, có nơi hơn 1 m. Tháng 5-2013, hàng chục nhà dân dọc con suối song song đường Hai Bà Trưng (phường 6, TP Đà Lạt) bị ngập 0,5 - 1 m, làm nhiều máy móc, đồ gia dụng hư hỏng...

Năm nay, dù mới vào đầu mùa mưa nhưng Đà Lạt đã liên tiếp hứng chịu nhiều trận lũ khiến giao thông bị tê liệt, nhà cửa ngập chìm trong nước. Trong đó, cơn mưa lớn chiều 29-4 đã làm 2 người chết do bị nước cuốn trôi tại suối Phan Đình Phùng và suối Tà Nung. Trận mưa này còn gây ngập nhiều tuyến phố, khiến giao thông tê liệt trong ngày nghỉ lễ.

Sau đó, chiều 2-5, cơn mưa chỉ kéo dài khoảng 1 giờ nhưng cũng đủ làm nước hồ Mê Linh dâng cao, ngập cả cầu Ngô Văn Sở (phường 9), người dân không thể qua lại đây trong 2 giờ. Nước mưa không thoát kịp đã tràn vào hàng chục nhà, có căn bị ngập gần 1 m. Nhiều diện tích rau, hoa ở phường 9 cũng bị nước lũ nhấn chìm gây thiệt hại nặng nề.

Nhiều nguyên nhân gây ngập

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, nhiều năm qua, gần 90.000 ha rừng ở đây đã bị triệt phá. Riêng TP Đà Lạt, diện tích rừng liên tục giảm làm độ che phủ chỉ còn khoảng 47%. Không còn rừng khiến nước mưa đổ dồn về TP, lũ lụt ngày càng dễ xảy ra.

Bên cạnh đó, năng lực của hệ thống thoát nước không theo kịp sự phát triển của đô thị nên phải sửa chữa, thay đổi thiết kế liên tục gây ách tắc nước thải tại nhiều khu vực. Trong đó, các công trình xử lý nước thải còn nhiều hạn chế.

Theo Xí nghiệp Quản lý nước thải - Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng, mỗi ngày, TP Đà Lạt có khoảng 5.000 m3 nước thải sinh hoạt cần được đưa về nhà máy này xử lý. Tuy nhiên, nhà máy mới thu gom và xử lý được nước thải của khu vực trung tâm gồm phường 1, phường 2 cùng một số khu vực của phường 5, phường 6 và phường 8. Những khu vực còn lại do không có hệ thống đường ống đi qua nên nhà máy không thể thu gom nước thải.

Ngoài ra, do thiếu ý thức, nhiều người đã đổ cả rác vào hệ thống thu gom nước thải, gây tắc nghẽn đường ống, làm hỏng hệ thống bơm nước về nhà máy. Nghiêm trọng hơn, nước mưa tràn vào đường ống thoát nước thải khiến cả hệ thống xử lý thường phải hoạt động trong tình trạng quá tải. Nước mưa mang theo cát, đá, rác làm tắc nghẽn đường ống, trào ngược nước thải vào nhà dân, bật các nắp hố ga ở những khu vực thấp như đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Tô Ngọc Vân…, đẩy nước thải ra môi trường.

“Chính vì vậy, khi có mưa lớn, nước tràn ra khỏi đường ống gây lụt lội” - đại diện Xí nghiệp Quản lý nước thải nhấn mạnh.

Khôi phục rừng: Giải pháp hàng đầu

Theo các nhà chuyên môn, để khắc phục tình trạng ngập lụt, TP Đà Lạt cần có các giải pháp căn cơ hơn. Trong đó, việc giữ và phát triển rừng phải được quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, cần kêu gọi người dân bảo vệ hệ thống thoát nước thải; đồng thời vận động các khu dân cư và đưa cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ để tách nước mưa khỏi hệ thống thoát nước thải...

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo