Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi khí trời bớt oi bức, buổi chiều thường xuất hiện lác đác những cơn mưa đầu mùa là thời điểm lý tưởng để cho những tay máy lên đường đến TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng săn sương.
Say sưa “đốt thẻ nhớ”
Thời gian này, những buổi sáng ở vùng ngoại ô Đà Lạt bắt đầu xuất hiện hiện tượng sương luồn. Từ 3-4 giờ sáng, dọc đường hướng về Trại Mát, Cầu Đất hướng Đạ Sar đi về phía núi Bidoup hoặc hướng lên Suối Vàng… thường có những nhóm phượt mê nhiếp ảnh từ TP HCM lên. Họ kết nối với các nhóm săn ảnh địa phương đi tìm địa thế đẹp để có những góc ảnh ưng ý về sương mù.
Những nhóm chơi ảnh Sài Gòn mê cảnh sương mù Đà Lạt sẽ lên chương trình đi xe đêm cuối tuần. Khi vừa đến Đà Lạt, họ thuê chung một phòng tập kết đồ đạc và vệ sinh để tiết kiệm chi phí, sau đó chuẩn bị máy móc, lên đường ngay trong buổi sáng.
Sau hành trình săn sương, họ có thể lang thang cà phê, vui chơi một ngày trong TP Đà Lạt và kết thúc bằng chuyến xe trở lại TP HCM trong ngày. Đó là kế hoạch “khép kín” dành cho những người eo hẹp thời gian. Với những ai thong thả hơn, họ có thể sẽ có điều kiện thư giãn cuối tuần với những kế hoạch khác.
Săn sương là một hành trình vất vả, phải được chuẩn bị từ sáng sớm, lúc hừng đông vừa kéo lên. Thời khắc đó, ở những vùng đồi núi tại Đà Lạt như Đa Thọ, Tuyền Lâm hay Lạc Dương thường có bước chuyển không gian thiên nhiên quyến rũ. Mây chùng xuống thấp và sương sẽ trườn qua những thung lũng. Từ những góc nhìn cao, các tay máy dễ dàng săn được những dòng suối sương trắng muốt trôi qua vườn tược, đồi thông. Khi mặt trời ló dạng, họ có thể săn tia nắng đi xuyên qua những rèm thông trên đồi - mà dân chơi ảnh gọi là “săn ray” (ray, tức tia nắng).
Mùa này, những đồi cỏ hồng phía Suối Vàng cũng bắt đầu trổ bông. Quang cảnh thảo nguyên mở ra với trảng cỏ rộng mênh mông, với những bông cỏ hồng ngậm sương đêm bên mặt hồ tịch lặng, xa xa là bóng cây trơ trọi bên bờ… Đây là bối cảnh được những tay săn ảnh yêu thích. Nếu chọn hướng về hồ Tuyền Lâm thì họ có dịp say sưa “đốt thẻ nhớ” với cảnh những hồ nước phản chiếu màu trời rạng đông đỏ rực hay mặt hồ phủ sương mù bảng lảng…
Viễn cảnh đau lòng
Đà Lạt không còn nhiều không gian thiên nhiên bởi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Đó là lý do mà nhiều tay máy phải vội vàng đến đó ghi chép lại những hình ảnh đẹp rồi đây sẽ mất.
Ngoài những lão tướng như Đặng Văn Thông hay MPK nổi tiếng với những bức ảnh mô tả đặc thù Đà Lạt sương mù trong quá khứ thì vài năm gần đây, nhiều tay máy mới đã xuất hiện, chú tâm khai thác vẻ đẹp thiên nhiên 4 mùa của thành phố mình sinh sống, như Võ Trang, Nguyễn Tất Thắng, Đặng Văn An, Nguyễn Nghĩa… Thế giới thiên nhiên thơ mộng, huyền ảo quyến rũ những tay chơi ảnh nghiệp dư bước vào cuộc chơi bất tận.
Nhiều ảnh đẹp của họ đã được bán cho các tờ báo, những nhà sưu tập. Họ cũng tổ chức những cuộc triển lãm đầy ý nghĩa. Trong Festival Hoa Đà Lạt vào mùa đông 2015, cuộc triển lãm với chủ đề “Đà Lạt trong mắt tôi” của nhóm nhiếp ảnh gia địa phương đã tạo ra một không gian thưởng ngoạn đặc sắc, mang lại cho du khách nhiều ấn tượng về một Đà Lạt tưởng đang cạn dần kháng thể trước những đổi thay theo hướng bê-tông hóa.
Tháng 5 sương luồn, tháng chạp mây đùn - dân nhiếp ảnh Đà Lạt đúc kết kinh nghiệm như thế nếu có ai hỏi “mùa nào thì có sương?”. Trong khi đó, muốn ăn sim chín thì phải vào rừng sâu. Ngày càng phải đi xa hơn, người ta mới có thể tìm thấy sương, thấy đồi, thấy thông.
Việc “truyền thông” cho vẻ đẹp của TP Đà Lạt sau những cuộc săn ảnh đầy nhiệt huyết và có gì đó rất ngây thơ này không biết hiệu quả sẽ ra sao. Thế nhưng, là người từng có dịp nhập hội đi săn sương với các “chiến hữu”, tôi cảm thấy đau lòng khi nghe tin ngày càng nhiều rừng thông bị đốn, nhiều ngọn đồi đầu nguồn bị san phẳng để làm rẫy. Rồi từ rẫy, đất nông nghiệp hợp thức hóa qua đất xây dựng là một lộ trình quen thuộc, không còn xa…
Vất vả truyền thông cho vẻ đẹp Đà Lạt qua những bức ảnh chụp cảnh núi đồi, sương mù là một chiến lược tự phát, đẹp đó nhưng xem ra vẫn quá yếu ớt trước những cuộc đổ bộ của tiếng máy móc cơ giới cào xới, phía sau là những bản quy hoạch thiếu cân nhắc phát triển bền vững…
Trong một cuộc săn sương tháng 5 năm ngoái tại vùng đồi thông Túy Sơn, Đa Thọ, Cầu Đất, khi chúng tôi say sưa chụp khoảng đồi trước mặt tuyệt đẹp thì một người trong nhóm, qua tầm nhìn của ống tele zoom, đã thảng thốt kêu lên: “Trên đồi thông có một chiếc máy xúc”. Chúng tôi nhìn nhau và gặp nhau trong một cảm xúc bùi ngùi bất lực...
Có lẽ ai cũng thấy trước một điều: Chẳng bao lâu nữa, đồi thông và những vệt sương mù đang vẽ ra trước mặt chúng tôi một khung cảnh lãng mạn, yên bình sót lại của Đà Lạt sẽ không còn nữa...
Tiếc nuối và háo thắng
Anh Võ Trang - một nhiếp ảnh gia tự nhận là nghiệp dư ở địa phương, suốt ngày say sưa với việc săn sương vài năm nay - cho biết có những người đến Đà Lạt, cất công tìm vẻ đẹp của thành phố này vì tiếc nuối. Trong khi đó, cũng có nhiều người đến vì sự háo thắng, họ chỉ biết ghi nhận những bức ảnh đẹp, thỏa mãn sự tò mò chứ không có ý thức giữ gìn môi trường.
“Sau những “tour” săn mây, săn sương là vỏ chai lọ, là những bao bì thức ăn dã ngoại vứt trong rừng. Nhiều người còn vì những bức ảnh đẹp mà bẻ cành, vặt hoa hay giẫm nát cả khu vườn của nông dân để họ có ác cảm với dân săn ảnh nói chung” - Võ Trang than thở.
Bình luận (0)