Sáng 7-4, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo dưới sự chủ trì của lãnh đạo Sở Nội vụ cùng Sở Thông tin và truyền thông (TTTT) TP Đà Nẵng, nhằm công bố việc thống nhất sử dụng đầu số 1022 làm đường dây nóng chung cho toàn TP.
Theo Sở TTTT TP Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn TP có gần 200 đầu số điện thoại đường dây nóng khác nhau của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.
Điều này dẫn đến việc các đối tượng cần phản ánh không biết gọi số nào. Thêm vào đó, các đầu số trên là số điện thoại lẻ của phòng, ban hoặc cá nhân nên không thể nhận được 2 cuộc gọi trở lên, không tự động lưu lại thông tin phản ánh, xử lý, dẫn đến có trường hợp thông tin được ghi lại không chính xác, cụ thể, thậm chí bỏ mất yêu cầu và phản ánh không được xử lý.
25 nhân viên sẽ túc trực để nhận phản ánh của người dân
Một nhược điểm khác là các số điện thoại lẻ này dẫn đến không tự động lưu trữ, ghi nhận nội dung gọi đến và trả lời để phục vụ công tác giám sát, thống kê, báo cáo; công tác đối soát, kiểm tra, đánh giá...
TP Đà Nẵng nhận thấy cần thiết phải thống nhất sử dụng đầu số điện thoại để bảo đảm nhận và xử lý phản ánh của tổ chức, công dân kịp thời, trách nhiệm, hiệu quả, chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi (dễ nhớ, dễ sử dụng) trong tiếp nhận và xử lý phản ánh của tổ chức, công dân, nâng cao trách nhiệm trong tiếp nhận và xử lý phản ánh, góp ý của tổ chức, công dân.
Vì thế, TP Đà Nẵng quyết định sử dụng duy nhất một đường dây nóng 1022 để tiếp nhận và xử lý phản ánh của tổ chức, công dân.
Theo đó, các điện thoại cố định tại Đà Nẵng chỉ cần quay trực tiếp 1022, cước gọi 200đ/phút. Các điện thoại cố định tỉnh, thành khác và điện thoại di động cần quay (0511) 1022, cước gọi cho nhà mạng như gọi đến điện thoại cố định tại Đà Nẵng (≤888 đ/phút).
Lãnh đạo Sở Nội vụ cùng Sở Thông tin và truyền thông TP Đà Nẵng chủ trì họp báo
Theo ông Nguyễn Đăng Trường, Phó giám đốc Sở TTTT TP Đà Nẵng, đầu số 1022 được kết nối với tổng đài có quy mô 100 bàn giải đáp thông tin, kết nối với các mạng viễn thông 180 kênh thoại (6 luồng E1, 30 kênh/luồng) hay 90 cuộc gọi một lúc; có chức năng ghi âm, thiết bị bảo mật và an toàn thông tin. Tổng đài có 36 nhân viên, trong đó bố trí nhân lực trực tổng đài phục vụ kênh góp ý, phản ánh đến 25 nhân viên.
Các nhân viên sẽ trực từ 7 giờ 30 đến 17 giờ 30 tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ Bảy, Chủ Nhật và giờ nghỉ trưa). Ban đêm, do số lượng cuộc gọi chưa nhiều, nên cài đặt chế độ ghi âm yêu cầu, sẽ liên lạc phục vụ ngay từ đầu ngay hôm sau.
Trả lời ý kiến của đại diện quận Sơn Trà rằng với những trường hợp “nóng” như khách du lịch có bức xúc thì phản ánh qua đầu số 1022 liệu có hiệu quả bằng việc gọi vào đường dây nóng của quận hay không, ông Nguyễn Đăng Trường cho biết 1022 sẽ cố gắng làm tốt. “Đến khi nào địa phương phản ánh làm không tốt, chúng tôi sẽ sẵn sàng cúi đầu nhận tội” – ông Trường nói.
Ông Trường cũng cho biết TP sẽ có cơ chế giám sát đối với quá trình tiếp nhận cuộc gọi, chuyển các sở ban ngành và quá trình xử lý, phản hồi. Cũng theo ông Trường, ngoài đầu số 1022 thì TP Đà Nẵng cũng sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh qua những kênh thông tin khác như mạng xã hội facebook, zalo…, chứ không chỉ bó hẹp mọi phản ánh đều qua điện thoại.
Bình luận (0)