Khu vực cầu Sông Hàn trong một ngày nghỉ. Năm năm qua, tỉ lệ người nhập cư tăng nhanh tại các quận trung tâm ở TP Đà Nẵng. Ảnh: Bích Vân
Áp dụng tùy đối tượng nhập cư
UBND TP Đà Nẵng cho biết trong 5 năm qua đã có hơn 80.000 người di chuyển đến địa phương này, tỉ lệ người nhập cư đặc biệt tăng tại các quận trung tâm. Ban Pháp chế HĐND dẫn chứng: số người ở địa phương khác đến Đà Nẵng đăng ký tạm trú là 11.356 hộ/114.290 khẩu, chiếm 11,5% dân số TP. Trong đó, đăng ký thường trú khi đang sống nhà thuê, nhà mượn, nhà ở nhờ là 2.163 hộ/14.344 nhân khẩu.
Phát biểu tại phiên họp, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng thực trạng người nhập cư gia tăng là áp lực, thách thức lớn đối với chất lượng dân số, việc làm và an ninh trật tự. Cụ thể, có 278 bị can mới bị khởi tố ở Đà Nẵng trong năm 2011 là người từ địa phương khác đến. Nhưng, theo ông Chiến, UBND TP không được phép tự ban hành thêm những quy định, thủ tục ngoài Luật Cư trú cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Vì vậy, UBND TP đã đề xuất HĐND cho tạm dừng đăng ký nhập cư mới đối với các trường hợp ở nhà thuê, nhà mượn, nhà ở nhờ để chờ kiến nghị Trung ương cho phép địa phương này được ban hành các quy định về di chuyển, quản lý đối với người nhập cư, chính sách người nhập cư có trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao.
Bà Lương Nguyệt Thu, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng Đà Nẵng không phân biệt đối với người ngoại tỉnh. “Hiện Đà Nẵng chưa có quy định về diện tích sàn tối thiểu đối với mỗi đầu người nên HĐND TP mới ra nghị quyết tạm dừng đăng ký nhập cư để tránh tình trạng người ngoại tỉnh đến ở chen chúc, nhếch nhác và những vấn đề khác nảy sinh, nhưng vẫn cho đăng ký tạm trú” - bà Thu nói. Bà Thu cũng đã kiến nghị việc tạm dừng này áp dụng cho tùy đối tượng nhập cư.
Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng Luật Cư trú hiện có những bất cập và cần được điều chỉnh. Ông Thanh khẳng định: “Trong tương lai, HĐND sẽ ra nghị quyết “cấm cửa” người có tiền án, tiền sự nhiều lần nhập cư vào Đà Nẵng để không ảnh hưởng đến quá trình xây dựng, chỉnh trang và phát triển TP ổn định, bền vững”.
Mạnh tay với vi phạm giao thông
Trả lời chất vấn tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho rằng việc giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) là cuộc chiến thật sự, không những đòi hỏi nỗ lực của ngành công an mà còn cần có sự vào cuộc của xã hội, cùng với việc giáo dục con cái ở các gia đình. Ông Sơn đề nghị các cấp, các ngành nghiêm cấm cán bộ, nhân viên tham gia giao thông khi uống rượu, bia và xem đây là một trong những nội dung để đánh giá thi đua hằng năm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Thanh không đồng ý với quan điểm này. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP quy trách nhiệm cho ngành công an và bày tỏ nghi ngờ về báo cáo 123 người chết vì TNGT ở Đà Nẵng trong năm 2011. “Nếu không đủ sức thì mời các chuyên gia nước ngoài. Việc giảm thiểu TNGT không thể kêu gọi toàn xã hội vào cuộc và yêu cầu sự giáo dục trong gia đình” - ông Thanh nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy trực tiếp phụ trách đường dây nóng Ông Nguyễn Bá Thanh đã yêu cầu thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về những bất cập, tồn tại, những vi phạm hay tệ nạn xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ông khẳng định chính ông sẽ trực tiếp phụ trách đường dây nóng này và cam kết xử lý nhanh bất kỳ phản ánh nào. |
Bình luận (0)