Ngày 12-12, ông Ngô Văn Quang, Giám đốc Công ty Vàng Phước Minh (tỉnh Quảng Nam), thuê gần 50 công nhân đến tháo dỡ biệt thự xây trái phép dưới chân núi Hải Vân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Ông Quang còn chỉ đạo mở cửa cho người dân vào xem. Nhiều người đã trầm trồ, nuối tiếc bởi công trình được xây dựng công phu với nhiều vật liệu quý cùng thiết kế nội thất sang trọng.
Các công nhân, cả thợ nề lẫn thợ mộc, bắt đầu bằng việc đập bỏ các hạng mục làm bằng bê-tông và tháo dỡ các khu nhà rường bằng gỗ. Người nhà của ông Quang cho biết tất cả các vật liệu bằng gỗ sẽ được tháo dỡ cẩn thận, bảo đảm không hư hỏng để tiếp tục dựng lại ở nơi khác.
Theo ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, sau khi có quyết định cưỡng chế, ông Quang đã trình phương án tự tháo dỡ, quận chấp nhận và tiến hành giám sát, bắt đầu từ ngày 12-12-2015 và chậm nhất đến 31-1-2016 là hoàn tất.
Có tổng cộng 27 hạng mục xây dựng trái phép (gồm nhà rường, biệt thự, cổng ngõ…) đều sẽ tháo dỡ. Các hạng mục khác như hồ cá, cây cối sẽ giữ lại vì được phép thực hiện trên khuôn viên đất lâm nghiệp. Bên trong khu biệt thự, tất cả các vật dụng như giường, tủ, bàn ghế… đều được làm bằng gỗ quý. Chia sẻ với chính quyền và báo chí 1 ngày trước đó, ông Quang cho biết hết sức tiếc nuối khi phải tháo dỡ biệt thự. Các vật liệu quý bên trong có thể tận dụng lại nhưng thời gian, công sức và tiền bạc đổ ra để xây dựng biệt thự là điều khiến ông xót xa.
Hòa trong hàng trăm người dân ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu tới tham quan, bà Nguyễn Thị Thái, ngụ phường Hòa Hiệp Bắc, cho hay dù bà ở gần đây nhưng lần đầu tiên được tham quan biệt thự từ bên trong. “Đúng là đẹp và sang trọng không kém các cung điện vua chúa ngày xưa. Đập đi cũng rất tiếc. Tại sao chính quyền để họ xây dựng hoành tráng như thế rồi mới buộc đập bỏ?” - bà Thái nói.
Ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, cho rằng công trình trái phép là phải đập bỏ để bảo đảm đúng quy định pháp luật. “Không thể có chuyện giữ lại chỉ vì tiếc nuối. Dù có trăm ngàn tỉ đi chăng nữa mà xây dựng không phép có nghĩa là trái luật” - ông Nghĩa nói và cho biết TP Đà Nẵng sẽ phải xem xét trách nhiệm từng cá nhân để xảy ra công trình xây dựng trái phép tồn tại trong nhiều năm liền.
Trước đó, Báo Người Lao Động nhiều lần thông tin cuối năm 2014, chính quyền quận Liên Chiểu phát hiện 2 công trình trái phép của ông Ngô Văn Quang và ông Phan Như Thạch xây dựng tại chân núi Hải Vân và đã yêu cầu tháo dỡ. Ông Thạch chấp hành còn ông Quang lần lữa và có đơn xin giữ lại để làm khu du lịch sinh thái. Tuy nhiên, UBND TP Đà Nẵng không chấp nhận và buộc tháo dỡ.
Bình luận (0)