Một mạng người đánh đổi cho một đụng chạm nhỏ nhặt trên đường phố. Đau xót hơn khi người chết lại không phải là người trong cuộc lúc mâu thuẫn khởi phát, một cái chết chẳng ai ngờ. Câu chuyện xảy ra vào tối 17-1 ở TP Đà Nẵng, một TP được mệnh danh là “đáng sống” với nhiều điểm son về an ninh trật tự.
Với người thanh niên vung dao kia và những người trong nhóm truy đuổi, hẳn sau khi đâm người mới run rẩy biết đã phạm tội tày trời. Họ thấm thía cái giá phải trả cho phút ngông cuồng, hơn thua lãng xẹt trên phố hôm nay bằng mất đi nhiều năm tuổi trẻ hay cả chính sinh mạng của mình. Lúc đó, ai cũng mong một điều không thể có là quay ngược lại thời gian, hẳn sẽ không hành xử như thế để đau cho cả bản thân, gia đình, cha mẹ, đau cả đời người.
Cũng vào thời gian này năm trước, tại góc đường Lê Lợi - Pasteur (TP HCM) khi muốn rẽ phải song còn vướng ô tô, người chạy xe máy bóp còi inh ỏi để rồi cãi nhau với người lái ô tô và cả hai xô xát. Sau đó, hai người lại va chạm và thanh niên đi ô tô bước xuống đánh, đạp khiến người đi xe máy tử vong. Một năm trong trại giam hẳn chàng thanh niên đi ô tô hạng sang cũng thấm thía về hành động của mình, chấp nhận bản án pháp luật và bản án lương tâm, nhận diện giá trị cuộc sống không phải là sự hơn thua nhất thời, nhỏ nhặt.
Qua những vụ điển hình trên, ít nhiều cũng là bài học cảnh tỉnh cho các bạn trẻ, những người tham gia giao thông trên cả nước hãy học cách nhường nhịn, kiềm chế bản thân. Đúng là rất bực bội khi bị người đi xe máy chạy cắt mặt, vượt ẩu, bóp còi inh ỏi; người đi ô tô theo kiểu khoe của khệnh khạng, lấn làn, ép xe máy vào lề... Lối tham gia giao thông đó là nguồn cơn gây nên xích mích, nhẹ là một câu trách, nặng hơn chút là câu chửi và đỉnh điểm là xô xát, giải quyết bằng vũ lực. Ít khi người Việt hành xử khi va chạm giao thông như người Thái Lan, Campuchia: cùng xuống xe xem xét, nhìn nhận mức độ va chạm, giải quyết cùng nhau trong sự thấu hiểu. Cách chạy xe của người dân các nước láng giềng chúng ta cũng điềm đạm, hiếm khi có tiếng còi ồn ã gây ức chế mà họ sử dụng còi xe đúng nơi đúng chỗ.
Cha ông ta từng dặn: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Trong đời sống, ai thủ đắc chữ “nhẫn” cũng làm cho sóng gió lặng yên, cuộc sống bớt chuyện phiền hà. Đạo Phật cũng xiển dương chữ “nhẫn” với cái tốt đẹp, tinh hoa để đạt sự thông tuệ mà hóa giải tham sân si, xem những ân oán thị phi đều là huyễn mộng. Hơn lúc nào hết, cần đề cao văn hóa giao thông đi đôi thắt chặt xử lý vi phạm luật lệ giao thông. Sự cư xử hòa hiếu, nhường nhịn sẽ giúp cho người Việt tĩnh tâm hơn trong cuộc sống, hiền hòa hơn trong hành xử để bớt đi những tai nạn, những án mạng đau lòng.
Bình luận (0)