Ngay ngày hôm sau, ông chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Petrolimex (doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương) tổ chức họp báo cho biết Petrolimex lỗ 58 đồng/lít xăng A95 và lãi 219 đồng/lít xăng A92.
Những con số trên như càng làm gia tăng thêm sự bức xúc trong dư luận và người tiêu dùng về sự tù mù của giá xăng dầu. Sự tù mù này có lợi cho ai, doanh nghiệp hay người dân? Nhiều người chắc đã có câu trả lời của riêng mình.
Điều này đã đặt ra đòi hỏi cấp thiết là phải đại phẫu cả công tác điều hành quản lý và hoạt động kinh doanh xăng dầu. Một trong những mục đích quan trọng của cuộc đại phẫu này đang được nhiều người nói tới là phải làm sao minh bạch được giá xăng dầu cũng như công tác điều hành.
Minh bạch giá xăng dầu là điều kiện cần để người dân hiểu, chia sẻ với doanh nghiệp và Nhà nước mỗi khi giá xăng dầu biến động. Thế nhưng, minh bạch hoàn toàn không phải cái đích cuối cùng của cuộc đại phẫu xăng dầu bởi nó chưa đủ giúp người dân có thể mua được xăng dầu với giá hợp lý. Đích cuối cùng cần phải đi tới là phá thế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu hiện nay, xây dựng một thị trường xăng dầu thực sự cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.
Thực tế, hoạt động kinh doanh các mặt hàng như sữa, dược phẩm... hiện nay cho thấy người dân phải gánh chịu mức giá “trên trời” ra sao nếu để doanh nghiệp độc quyền hay liên kết độc quyền. Có thực tế là việc phá thế độc quyền, hình thành thị trường viễn thông cạnh tranh đã mang lại lợi ích rất lớn cho người dân và cả đất nước khi lĩnh vực này phát triển vào loại nhanh nhất thế giới.
Có một thị trường xăng dầu cạnh tranh như thị trường viễn thông thì chẳng những mang lại lợi ích to lớn cho người dân mà cơ quan quản lý Nhà nước chắc chắn không còn phải đau đầu loay hoay với cơ chế điều hành.
Bình luận (0)