xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đam mê phục chế sắc phong

Phạm Khiêm Trai

Khi nói đến chữ "duyên", anh cho biết đi qua nhiều vùng miền văn hóa giàu bản sắc, các tư liệu cổ và giá trị văn hóa âm thầm ngấm vào bản thân lúc nào không hay. Từ đó để ý tìm hiểu rồi đam mê và chạm vào nó bằng tất cả tâm huyết

Nằm sau Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ở đó, tôi có những cuộc tiếp xúc với họa sĩ Lê Hồng Vệ - người đã gắn cả thời trai trẻ với những mảnh sắc phong ố vàng. Trong giới phục chế, đam mê sắc phong, nhiều người nhắc đến anh bằng những lời nể phục.

15 năm chung thủy

Anh Vệ lấy từ trong phòng chứa đồ ra mấy cuộn sắc phong đã khô mặt, cẩn thận giở từng cuộn cho tôi xem. Lần giấy dó vốn mỏng manh, nhờ được đồ đi đồ lại qua mười một công đoạn đã trở nên dày dặn và dẻo như lụa.

Khi tôi nói đến chữ "duyên", anh cười: "Nửa cuộc đời đi qua nhiều vùng miền văn hóa giàu bản sắc, các hình ảnh rồi tư liệu cổ, các giá trị văn hóa âm thầm ngấm vào bản thân lúc nào không hay. Cũng từ đó, tôi để ý tìm hiểu, rồi chạm vào nó bằng tất cả tình cảm và tâm huyết. Thấm thoắt đã 15 năm chung thủy với việc giữ gìn các văn bản cổ, đặc biệt là sắc phong, đến lúc này tôi có thể "khám" và "chữa trị" được những ca có thể nói là khó nhất về sắc phong bởi tác động của khí hậu khắc nghiệt và ý thức thức bảo quản không tốt làm chúng hư hỏng. Giờ tôi có thể nhớ nằm lòng triều đại nào sử dụng chất liệu gì, màu sắc họa tiết ra sao, lối viết chữ thế nào?".

Đam mê phục chế sắc phong - Ảnh 1.

Anh Lê Hồng Vệ hoàn thiện họa tiết thời Lê Trung Hưng trên mặt giấy sắc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Say mê loại văn bản quan trọng như sắc phong, sau những lần về địa phương công tác, thấy cách bảo quản các tư liệu quý ở các làng xã sơ sài, rách nát, đau lòng nên anh quyết tâm phục chế. Buổi đầu, các thử nghiệm hỏng rất nhiều. Hỏng thì làm lại. Anh quyết không nản.

Anh Vệ lý giải về niềm say mê của mình: "Sắc phong được triều đình phê chuẩn công lao của các vị thành hoàng, các nhân thần cho làng xã là văn bản vô cùng quan trọng để xác định công lao của họ vì nước vì dân. Hằng năm, ngày hội làng hoặc ngày sinh - hóa của thành hoàng là dịp để làng xã long trọng rước sắc tôn vinh công trạng. Đây là nguồn tư liệu quý giá để khảo lại số lượng thần linh được sắc phong. Sâu xa hơn, dựa vào các đường nét hoa văn và nội dung ghi trong sắc phong, hậu sinh có thể xác định được bản sắc, tập tục của mỗi làng quê. Vậy nên, sắc phong không chỉ giá trị về mặt tâm linh, tinh thần của người dân Việt Nam đối với việc phong thần mà còn về mặt lịch sử, là cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa".

Chính vì sự quan trọng của sắc phong mà nhiều làng đã cử các bậc trưởng thượng tìm anh. "Một lần, có hai cụ ở rất xa đến Viện Hán Nôm nhờ người phục chế sắc phong cho làng. Bên viện chỉ sang Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam tìm tôi nhưng hôm đó tôi đang công tác ở Bắc Ninh, thế là các cụ đi thẳng lên Bắc Ninh. Tội quá. Các cụ già yếu lại chẳng có ai trẻ trung đi kèm. Lên đến nơi, các cụ cứ thưa gửi mãi cũng ngại. Tôi bảo các cụ cứ để lại nội dung và yên tâm trở về, cháu sẽ nghiên cứu nội dung để làm phôi, bao giờ xong thì gửi tận nơi cho các cụ. Thấy các cụ vất vả và tâm huyết tìm lại giá trị cũ của làng đã mất, tôi làm rồi tặng các cụ luôn" - anh kể.

Ba năm thử nghiệm

Theo anh Vệ, khi nhận được bản sắc phong cũ, hỏng từ làng xã hoặc các dòng họ chuyển đến, việc đầu tiên là phải đánh giá tỉ mĩ, xác định xem giấy sắc seo (bóc) bao nhiêu, công đoạn nghè trước đây như thế nào? Nếu rách nát song bề mặt giấy còn có độ liên kết thì giữ ẩm bề mặt và bóc tách để đưa giấy dó vào làm vật liệu kết nối, bồi biểu và ép giữ bề mặt. Phải xem màu thực hiện trên phôi thuộc thành phần nào để chọn màu tương đồng phủ lớp lên mặt sắc. Sau đó, chụp hoa văn bản gốc, vẽ lại rồi mới xử lý hóa sinh. Cuối cùng là xem xét đánh giá thể chữ, nội dung sắc phong. Tất cả mọi công đoạn đều cần sự tỉ mỉ và kiên trì.

Đam mê phục chế sắc phong - Ảnh 2.

Sắc Thiệu Trị lục niên được khôi phục lại bằng màu vẽ thực vật

Khó khăn nhất khi bắt đầu việc phục chế, theo anh Vệ, là làm sao tìm được nguồn giấy tốt và ổn định. Sau đó là tìm hoa hòe, quả dành để làm màu nhuộm. Muốn có 2 loại này thì phải xem thu hái vào mùa nào là đạt màu tươi nhất. Khó nữa là tìm xem keo thực vật để pha chế là loại nào. Mất đúng 3 năm thử nghiệm không ngừng, cuối cùng anh mới tìm được cách pha chế màu đúng các niên đại.

"Quê vợ ở Bắc Ninh có nghề dệt truyền thống, in thủ công giúp tôi tìm ra phẩm màu tự nhiên để dùng. Tôi đang công tác trong ngành văn hóa nên có thể dễ dàng tiếp cận sắc phong gốc, bản thân được trang bị kiến thức mỹ thuật nên dễ dàng nhận dạng, định dạng các bản sắc phong" - anh Vệ kể.

"Sắc đời Lê thường dùng phẩm vẽ là nhũ trắng, hoàng kim, nhựa thực vật có pha trộn. Sang triều Nguyễn thì đa phần in xong hoa văn rồi phủ nhũ, vẽ nhũ, chỉ một số sắc thuộc về đời Thiệu Trị năm thứ 6, Gia Long, Minh Mệnh thì không dùng nhũ mà dùng phẩm màu thực vật để vẽ. Đến Khải Định năm thứ 9 thì in đậm và dát vàng" - anh Vệ phấn chấn nói về những khám phá trong quá trình tìm tòi và khẳng định không như nhiều người nghĩ ký tự dùng trong sắc phong chỉ có chữ Hán mà đôi lúc xuất hiện cả chữ Nôm. Song điều này khá hy hữu bởi lý do thống nhất ngôn ngữ hành chính thời bấy giờ, chỉ khi có tên riêng của các vị thần hay làng xã có danh từ riêng được phong thì mới dùng chữ Nôm.

Lo vốn cổ mai một

"Với một nơi có khí hậu nóng ẩm như nước ta thì việc giữ gìn các loại giấy, đặc biệt với giấy sắc có tuổi thọ nhất định, là điểm cần được quan tâm nhất bởi nó giữ nhiều giá trị để phát huy di sản. Hiện chưa cơ quan nhà nước nào đứng ra chuyên trách nghiên cứu bảo quản và phục chế để tiếp sức kéo dài đời sống của loại văn bản đặc biệt như sắc phong. Trung tâm Thực nghiệm Bảo quản phục chế của Viện Hán Nôm mới xử lý được việc vá bồi. May mắn là vẫn có một đôi người theo đuổi nghề cha ông để lại nên các làng xã cần phục chế sắc phong có thể tìm đến họ" - anh Vệ nói rõ hơn.

Để phục chế được sắc phong không chỉ có đam mê mà còn phải hiểu biết sâu sắc quy trình làm giấy, lịch sử mỹ thuật, Hán Nôm... Toàn bộ quá trình phục chế đều thực hiện bằng phương pháp thủ công. Nhu cầu bảo quản, phục chế, phiên bản để lưu giữ và đề phòng mất mát sắc phong của các địa phương rất nhiều nên anh buộc phải rất nỗ lực mới thu xếp đủ thời gian cho công việc.

"Có bao giờ anh hoang mang trước thực trạng vốn cổ đang mai một và bị xem nhẹ không?". Nghe tôi hỏi, anh Vệ đáp: "Nói đúng hơn là đau lòng. Vốn cổ đang ngày càng mai một. Thứ nhất, do các chất liệu như gỗ và giấy chỉ có tuổi thọ nhất định. Thứ hai, ý thức bảo quản của các địa phương chỉ theo thói quen. Thứ ba, tình trạng kẻ gian tìm mọi cách để trộm xảy ra nhiều nơi. Thứ tư, các cơ quan quản lý di sản ở cơ sở thiếu người và kinh nghiệm bảo quản để tư vấn. Với cách xử lý cảm tính, các địa phương không thể thỏa mãn được giới nghiên cứu và các nhà quản lý văn hóa trong lĩnh vực này".

Bảo lưu gần như nguyên vẹn

Trong thời gian từ năm 1938 đến 1942, Viện Viễn đông Bác cổ đã thống kê và ra thể lệ điều tra về phong tục tập quán, kê khai thần tích, thần sắc của các làng, xã trên phạm vi toàn quốc và lưu giữ cẩn thận, sau này trả lại cho Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam với 25.000 trang viết tay có chữ ký con dấu của lý trưởng, chánh hội thuộc trên dưới 9.000 đơn vị làng, xã. Nhờ vậy, trải qua các cuộc chiến tranh, dù các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng bị tàn phá nhưng thông tin về các thần Thành hoàng ở Việt Nam vẫn được bảo lưu gần như nguyên vẹn.

Những người như anh Lê Hồng Vệ đang trả lại cho chúng ta những bản sắc phong, những văn bia, công trình cổ ở mức tốt nhất. Sắc phong cổ nhất được anh phục chế cho các làng xã thuộc về niên hiệu Vĩnh Tộ (1620-1628). Nhiều nhất là sắc phong của triều Lê, nhà Tây Sơn và triều Nguyễn.


CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Đam mê phục chế sắc phong - Ảnh 5. Đam mê phục chế sắc phong - Ảnh 5. Đam mê phục chế sắc phong - Ảnh 5. Đam mê phục chế sắc phong - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo