Những ngày trước Tết Quý Tỵ, người dân khu vực rạch Bà Chèo (xã Tam An, huyện Long Thành - Đồng Nai) hầu hết đã nhận được tiền đền bù từ Công ty CP Sonadezi Long Thành (Công ty Sonadezi). Dù chưa bằng lòng với số tiền được nhận (gần 12 tỉ đồng) nhưng người dân cũng bắt đầu sửa sang lại vườn tược, ao đìa… chuẩn bị cho một “cuộc sống mới”.
Anh Phúc Văn Sang (ngụ ấp 2, xã Tam An) với đàn vịt mới gầy lại và hệ thống chuồng trại mới được sửa sang
Nuôi cá, thả vịt
Hai tuần sau đợt chi trả tiền đền bù của Công ty Sonadezi, chúng tôi trở lại xã Tam An. Buổi chiều, nắng gay gắt nhưng gió từ cánh đồng lồng lộng thổi, quạt khô những giọt mồ hôi nhọc nhằn của ông Tăng Văn Miến. Ông Miến đang be lại những đìa cá của gia đình. Những đìa này được khơi, đắp dọc theo rạch Bà Chèo chảy qua phần vườn, ruộng của gia đình ông. Nhà ông Miến có 8 đìa tôm cá, 2 thửa ruộng và 1 mảnh vườn, tổng cộng khoảng 3.000 m2. Đợt bồi thường vừa qua, ông Miến nhận được gần 80 triệu đồng nhưng ông chẳng lấy làm vui.
“Thiệt hại nhiều lắm, cả mấy năm nay hầu như chỉ ngồi chơi xơi nước, người ta chỉ bồi thường có 50%, số tiền này chỉ đỡ được phần nào mà thôi” - ông Miến nói. Cùng cảnh ngộ, ông Trần Văn Em, chủ một gia đình có 6 miệng ăn ở ấp 2 cũng đang đốn hạ những cây sầu riêng khô trong vườn. Ông Em cho biết vườn sầu riêng, chôm chôm, xoài, măng cụt hơn 100 gốc của gia đình ông hầu như chết trụi do nước thải của Công ty Sonadezi. Nhận được tiền đền bù nên tôi quyết làm lại từ đầu, chặt hết cây khô để trồng lại”- ông Em nói.
Bà Hồ Thị Ba, đang lùa đàn vịt gần 50 con xuống dòng nước rạch Bà Chèo, giờ đã khá trong xanh, góp chuyện. Đàn vịt nhà bà trước đây có vài trăm con, sau thời gian bị chết sạch, nay gầy lại được chừng này. Nhận được tiền đền bù, bà liền rào lưới, làm lại hệ thống chuồng trại mới để bắt đầu cuộc mưu sinh như ngày nào. Nằm ở cuối khu vực ấp 2 là khu vườn, ruộng của ông Nguyễn Văn Tình. Là người được nhận số tiền đền bù cao nhất (gần 1,2 tỉ đồng) nhưng khi tâm sự với chúng tôi, ông nói như mếu: “Đau lắm, cơ nghiệp cả đời người gần như mất trắng, giờ chỉ được đền bù một phần, muốn làm lại mà chẳng biết bắt đầu từ đâu…”.
Ác mộng đừng đến nữa!
Rạch Bà Chèo nối với sông Đồng Nai, chảy xuyên qua địa bàn xã Tam An, tạo nên một vùng đất màu mỡ. Khi đến giữa địa phận xã Tam An, con rạch chia thành nhiều nhánh nhỏ, tiện lợi cho người dân trong việc be bờ, đắp đập hình thành hệ thống ao đìa, vườn ruộng với cây trái tốt tươi, cá tôm ăm ắp.
Theo lời những người cao tuổi thì các thôn ấp ở đây hình thành từ trước năm 1975, cư dân chủ yếu từ nhiều nơi đến khai khẩn vùng đất hoang này, cuộc sống có thể nói chưa lúc nào phải thiếu thốn. Đó là chuyện của… thời xưa. Từ khi có cái cống xả thải của Công ty Sonadezi chia con rạch thành hai phần thì cảnh êm đềm không còn nữa, thay vào đó là những ngày đầy “bão tố”.
Theo người dân xã Tam An, trước khi bị cảnh sát môi trường bắt quả tang, nhiều năm liền từ van xả thải của Công ty Sonadezi liên tục đổ ra rạch Bà Chèo thứ nước đục ngầu, đặc quánh, sủi bọt và bốc mùi hôi thối. Chất độc hại này theo con nước lan tỏa, ngấm vào đất. Chất độc tràn ao đìa, chân ruộng, xói lở chân người khi be bờ đắp đập.
Những lúc mưa to, nước độc từ các cống trào lên mặt đường, tràn cả vào cửa ngõ, giếng nước. Rồi cây khô trụi như gặp phải chất độc; vịt chết không còn con nào; cá tôm bỏ đi biệt tăm. “Đúng là bi kịch hãi hùng. Chúng tôi khi đó không còn làm ăn gì được, cũng không biết kêu ai” - cụ bà Phùng Thị Dìn, đang sửa sang chuồng trại nuôi gà vịt, nhớ lại.
Sau hơn 1 năm đồng hành cùng người dân đi đòi quyền lợi, giờ đây ông Lê Văn Mãi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam An, đã có thể yên lòng được phần nào. Ông Mãi nói: “Bà con kêu dữ lắm, may mà công an làm ra nên cũng đỡ nếu không cuộc sống người dân sẽ không biết thế nào. Chỉ mong cơn ác mộng đừng đến với họ nữa!”.
Theo quan sát của chúng tôi, rạch Bà Chèo giờ đã trong xanh hơn. Ngay bên miệng cống có van xả thải của Công ty Sonadezi từ hồ sinh thái ra rạch Bà Chèo, một trạm quan trắc đang được xây dựng. Đây là một trong những trạm nằm trong hệ thống quan trắc vừa được tỉnh Đồng Nai đầu tư lắp đặt để kiểm tra thường xuyên các “điểm nóng”. Với trạm này, nếu nước thải của Công ty Sonadezi xả ra không đạt chuẩn sẽ bị phát hiện lập tức.
Vẫn còn người khiếu nại
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành, cho biết sau khi người dân nhận tiền đền bù, hội có hướng dẫn người dân sử dụng tiền để tái sản xuất hợp lý. Còn về việc người dân tiếp tục khiếu nại thì hội có nhận được một số đơn, số còn lại có thể người dân đã nộp lên UBND xã. “Chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn bà con làm đơn và chuyển lên các cấp xử lý nếu bà con muốn tiếp tục khiếu nại” - bà Hà nói. |
Bình luận (0)