Chiều 12-12, ông Trần Năm, Chủ tịch UBND xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi được chính quyền vận động, người dân địa phương này đã dừng ngăn cản thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Trước đó, sáng cùng ngày, hàng chục người dân ở xã Duy Trung đã kéo đến công trường đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tại địa phương này rồi giăng giây và cọc tre để rào đường, ngăn cản không cho thi công khiến công trình bị ngưng trệ.
Theo người dân, lâu nay, khoảng 4-5 ha đất ruộng của họ ở gần tuyến đường cao tốc phải canh tác nhờ vào nước trời nên trước khi canh tác khoảng 1 tháng, người dân phải đắp đập để tích nước. Thế nhưng, do thi công đường cao tốc nên người dân không thể đắp đập. Hơn nữa, quá trình thi công tuyến đường cao tốc đã khiến hệ thống kênh mương bị bít lại, đất đỏ chảy tràn xuống ruộng của người dân không thể nào canh tác được.
“Hằng năm, đến thời điểm này người dân ở đây đã xuống giống rồi vì phải phụ thuộc vào nước trời nhưng năm nay không có nước nên đến giờ ruộng vẫn bỏ hoang. Người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp nên nếu không canh tác được thì cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Chúng tôi đã phản ánh sự việc lên cơ quan chức năng và đơn vị quản lý đường cao tốc nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Không còn cách nào khác, dân chúng tôi mới ngăn cản thi công như thế này” – một người dân địa phương bức xúc nói.
Theo ông Trần Năm, có khoảng 50 hộ dân trong xã có đất ruộng tại khu vực trên. Ông Năm cho biết, trước đó, khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền xã Duy Trung và lãnh đạo huyện Duy Xuyên đã tổ chức họp dân và đồng ý phương án sẽ không sản xuất trong vụ mùa này. Thay vào đó, chính quyền địa phương sẽ yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hỗ trợ cho người dân mỗi sào 2 tạ lúa (khoảng 1,2 triệu đồng). Tuy nhiên, đơn vị thi công đường cao tốc chỉ đồng ý hỗ trợ những phần ruộng bị đất đỏ vùi lấp nằm sát bên đường cao tốc.
“Tôi nghĩ yêu cầu của người dân là hoàn toàn chính đáng vì không có nước thì người dân không thể sản xuất được. Quan điểm của xã cũng như của huyện là phía đường cao tốc phải hỗ trợ người dân hết phần diện tích đất bị ảnh hưởng bởi nếu chỉ hỗ trợ phần diện tích nằm bên đường cao tốc thì người dân cũng không thể canh tác được do đây là vùng canh tách biệt lập. Nếu canh tách với diện tích ít thì sâu bọ, chuột sẽ phá hoại mùa màng” – ông Năm nói và cho biết đầu tuần tới, xã sẽ tổ chức buổi đối thoại với người dân có sự tham dự của lãnh đạo huyện Duy Xuyên và những người có trách nhiệm phía đơn vị thi công và chủ đầu tư đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. “Lần này chúng tôi mời đích danh lãnh đạo để đối thoại với người dân chứ mấy lần trước họ chỉ cử nhân viên đi cho nên chỉ ghi nhận và báo cáo chứ không giải quyết trực tiếp được” – ông Năm nói thêm.
Bình luận (0)