Phí tăng, số trạm đã nhiều lại ngày càng nhiều thêm trong khi đường sá không tốt hơn, ai mà không bất bình, ngoại trừ các đơn vị thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thì cứ ngồi rung đùi đếm tiền.
Mặc dù lộ trình tăng phí đã có từ trước song liên bộ Tài chính - Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ ăn nói thế nào đây khi cách đây khoảng 10 ngày, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hạ giá cước vì giá xăng dầu thế giới đã giảm sâu? Yêu cầu nhà xe giảm cước nhưng lại tăng phí qua trạm, tức là buộc nhà xe phải tốn chi phí kép, thật lạ đời!
Biết nhà xe bất bình, kể cả cư dân sống trong các khu vực có trạm thu phí phản đối vì phi lý song các bộ - ngành hữu quan vẫn cho thu vì cầu, đường BOT đã làm xong rồi, không cho thu lấy gì hoàn vốn. Ngân sách nhà nước không đủ trang trải hết mọi dự án, buộc phải huy động từ nhiều nguồn lực, trong đó có tư nhân và sau đó hoàn vốn bằng cách cho họ thu phí. Đó là chủ trương đúng nhưng có đấu thầu công khai nhà đầu tư BOT hay không, cách nào giám sát được chi phí vận hành, làm sao tính đúng, tính đủ thời gian thu phí… là những câu hỏi mà nhiều địa phương không trả lời được hoặc làm lơ. Thậm chí, có nơi nhà đầu tư chỉ mở mang hay nâng cấp đường sá trên nền lộ sẵn có, vậy mà vẫn thu phí không chừa một cắc, từ năm này qua năm khác.
Một vấn đề nữa cần phải làm rõ về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đó là đã đóng phí đường bộ rồi sao vẫn bị thu phí qua tất cả các trạm? Và theo quy định, 2 trạm phải cách nhau 70 km nhưng có nhiều nơi các trạm rất gần nhau, như ở khu vực TP Biên Hòa - huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) có 2 trạm chỉ cách nhau… 7 km hay tại Bình Dương, chỉ trong bán kính 30 km khu vực 2 thị xã Thuận An - Dĩ An có đến 5 trạm thu phí. Trạm thu phí nào cũng to “vật vã” và đều phải xin phép mới mọc lên được, có phải cây kim sợi chỉ đâu mà các bộ - ngành không biết, không thấy?!
Giới nhà xe, như đã thấy, chỉ miễn cưỡng giảm cước vận tải. Nay phí cầu đường tăng, họ có lý do để tăng giá. Tất cả chi phí được tính vào người tiêu dùng đầu cuối, hệ quả là mặt bằng giá sản phẩm và hàng hóa trên thị trường tăng, môi trường đầu tư - kinh doanh giảm sức cạnh tranh. Thiệt hại không lường hết được.
Nhân dân đâu phải là “chùm khế ngọt”. Làm chính sách, phải biết khoan thư sức dân. Quan sát rộng ra thì thấy dường như lĩnh vực nào cũng vậy, hễ có cơ hội là tận thu. Dân không giàu, nước sao mạnh?!
Bình luận (0)