Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận về Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) đã diễn ra vào ngày 24-8. Đáng chú ý, quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, cụ thể là tòa án không được từ chối giải quyết tranh chấp dân sự với lý do không có điều luật quy định mà phải áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng để xử lý là vấn đề còn ý kiến trái chiều.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, ông Trần Đình Nhã, đặt vấn đề: “Quy định như thế có phải là bước lùi trong xây dựng nhà nước pháp quyền?”. Ông Nhã đề nghị thành lập một tòa kiểu tòa án hiến pháp để xử lý những vấn đề này để sau khi xét xử những vụ việc chưa có điều luật áp dụng thì tổng hợp thành án lệ.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng dự luật không quy định thì tòa án vẫn phải xử dù không có điều luật áp dụng. Công lý thì phải là sự thật và theo pháp luật, phải có “cái cân”. Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, ông Trần Du Lịch, cho rằng nhân danh công lý, lẽ phải mà nói thẩm phán không biết xử kiểu gì thì không nên làm thẩm phán.
Trước hàng loạt ý kiến, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Nhân dân đặt ra nhà nước để giải quyết việc của dân. Anh em, tình thân, tình ái cũng có lúc vác dao chém nhau. Dân kêu, sao tòa lại từ chối? Người ta không tự giải quyết được, giờ tòa từ chối và Hiến pháp giao tòa thực hiện quyền tư pháp, quyết định đúng - sai, phải - trái. Cần bàn cái này chứ không phải bàn “đuổi” dân về”.
Điều 483 dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015) quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ QH xin ý kiến ĐB về 2 phương án. Một là, các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp Luật Các tổ chức tín dụng có quy định khác. Hai là, các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp Luật Các tổ chức tín dụng có quy định khác.
Không nhất trí với cả 2 phương án, ông Trần Du Lịch cho rằng lãi suất là cái giá phải trả cho sử dụng vốn và sử dụng vốn phụ thuộc vào 3 yếu tố, trong đó có yếu tố rủi ro và quy định của luật không thể nào chế định được các yếu tố đó. Vì vậy, pháp luật chỉ nên xử lý trong trường hợp cho vay nặng lãi có yếu tố cưỡng bức về tinh thần.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến đồng ý với phương án một là không tham chiếu lãi suất nào cả mà quy định mức lãi suất cứng, cụ thể theo phương án một là 20%/năm.
Để tự xử sẽ gây mất trật tự
Tham gia thảo luận, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào nhấn mạnh Hiến pháp quy định tòa án bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân nên phải xử lý những việc dân yêu cầu. Nhà nước không xử lý thì người dân phải tự xử lý sẽ dẫn đến mất trật tự xã hội. Do đó, quy định tòa không được từ chối giải quyết là bước tiến để thực hiện quyền tư pháp, đáp ứng thực tế. Luật hiện hành vẫn cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng.
Bình luận (0)