Lễ chém lợn vẫn diễn ra tại làng Ném Thượng ngày Mùng 6 Tết Ất Mùi (24-2) dù dư luận có nhiều ý kiến khác nhau
Sáng nay 24-2, tức mùng 6 Tết Ất Mùi 2015, người dân làng Ném Thượng (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) vẫn tiến hành chém lợn trong ngày hội làng dù có ý kiến khác nhau trong dư luận.
Trước đó, Tổ chức Động vật châu Á đã phát động kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Theo tổ chức này, việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng
Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 24-2, ông Nguyễn Đăng Thức, Phó trưởng ban tổ chức lễ hội, cho biết sau khi nghe có nhiều dư luận trái chiều, ban ngành văn hóa các cấp xuống vận động thay đổi nghi lễ, nhưng dân làng vẫn quyết định giữ lại tục xưa.
“Trước Tết, làng cũng đã họp người cao tuổi, chức sắc trong làng cùng trưởng các dòng họ, bàn về việc có nên giữ tục chém lợn hay bỏ. Các cụ đều có ý nguyện muốn tổ chức đúng theo nghi lễ chém lợn như cũ, mọi người cho rằng nếu không chém thì coi như mất hội” - ông Thức nói
Khoảng đúng 9 giờ sáng 24-2, như tục lệ, ông “ỉn” được rước quanh làng, được người dân rất hồ hởi đón tiếp, khi ông “ỉn” đi qua, người dân đến sờ vào người. Đến 12 giờ trưa, ông “ỉn” được về đến sân đình Thượng. Lúc này, sân đình đã chật kín người dân và du khách.
Sau khi tướng cờ làm lễ phất cờ, 2 thủ đao chính thức “khai đao chém lợn tế thánh”. Người xem phấn khích reo hò khi 2 “đao thần” giơ đao chém xuống đầu ông “ỉn”. Người dân quết tiền vào máu "ông lợn" bị chém với hy vọng năm mới thật nhiều may mắn. Ngay sau đó, phần thân và đầu ông “ỉn” được đưa ra sân sau làm cỗ lên cúng Thành hoàng Làng
Anh Huy, 25 tuổi, người dân làng Ném Thượng, cho biết cũng theo dõi báo chí nhiều ngày qua có nhiều thông tin trái chiều giữa việc giữ hay không giữ tục chém lợn. “Theo cá nhân tôi, việc chém lợn với cộng đồng khác có thể là dã man nhưng đối với người dân làng chúng tôi coi việc nay như là niềm tự hào,vì ngay từ nhỏ chúng tôi được ông, bà mình truyền dạy rằng việc chém lợn chỉ là khao quân, tái hiện lại lịch sử tưởng nhớ đến anh hùng dân tộc. Chúng tôi được xem từ nhỏ nhưng vẫn làm ăn lương thiện, chấp hành luật pháp có sao đâu” - anh Huy nói.
Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng bắt nguồn từ một truyền thuyết xưa, vị tướng Đoàn Thượng khi đánh trận chạy đến vùng núi Ném Thượng đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, hằng năm người dân mở hội chém lợn để tưởng nhớ người có công khai khẩn đất đai.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, mặc dù thời tiết khá nắng nóng, hàng ngàn người dân và du khách đến trẩy hội chém lợn làng Ném Thượng. Do sân đình khá nhỏ trong khi lượng người xem lớn nên tình trạng chen lấn diễn ra.
Một số hình ảnh chém lợn tại làng Ném Thượng ngày 24-2:
Rất đông phóng viên báo chí đến đưa tin về lễ hội chém lợn
Bình luận (0)