Dọc Quốc lộ (QL) 12A đoạn qua các xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) và Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch) của tỉnh Quảng Bình, xe chở đá, cát,... liên tục lưu thông khiến bụi mù trời. Nhiều xe quá tải ngang nhiên lưu thông trên tuyến đường này, rẽ xuống QL1 rồi ung dung tiến vào nội đô TP Đồng Hới.
Gây bức xúc
Phải oằn mình cõng hàng loạt xe quá khổ, quá tải nên dọc tuyến QL12A xuất hiện nhiều “ổ voi, ổ gà” rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, mỗi ngày cũng có hàng trăm lượt xe tải trọng lớn chở đất vào san lấp trong khu đô thị mới Đông Nam Thủy An (thị xã Hương Thủy). Nhận phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại ngã ba Dạ Lê (thuộc thị xã Hương Thủy), chỉ trong một thời gian ngắn đã thấy hàng trăm lượt xe chở đất lưu thông với tốc độ cao. Những xe này đều có tải trọng lớn, chở đầy đất phục vụ san lấp mặt bằng chủ yếu ở 2 dự án do Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư. Do xe chở quá tải chạy với tần suất cao nên khá nhiều đất, đá rơi vãi gây nguy hiểm cho người đi đường. Tại đường Lợi Nông, dân cư ngụ dọc hai bên đường hứng trọn bụi từ lượng xe tải lưu thông với mật độ dày đặc. Quá bức xúc, người dân phải dùng thùng phuy, lốp ô tô bỏ ra giữa đường nhằm hạn chế tốc độ xe.
Từ đường Dạ Lê, chúng tôi bám theo xe tải 75C-052.27 chở đất cao hơn cả thùng xe khiến bạt che chắn bị bung. Theo số liệu đăng kiểm, xe này có thể tích thùng chở hàng 20 m3, khối lượng toàn bộ cho phép khi tham gia giao thông là 23,9 tấn. Theo cách tính tải trọng xe của một chuyên gia về đường bộ, nếu cứ 1 m3 đất nặng 1,2 tấn thì chiếc xe nói trên có tổng trọng tải 38,6 tấn (quá tải trọng 14,6 tấn so với giấy phép). Cũng tại công trường này, khá nhiều xe tải chở đất cao hơn cả thùng hàng. Trong đó, xe 75C-050.67 quá tải trọng có thể đến 11 tấn.
Trên QL49A đoạn từ cảng Thuận An (huyện Phú Vang) lên TP Huế mỗi ngày có rất nhiều xe tải lớn chở than và gỗ lưu thông. Nhiều hộ dân ở trước cửa cảng Thuận An than phiền vì tình trạng than bị rơi vãi ra đường, gây ô nhiễm môi trường. Buổi tối, nhiều xe đầu kéo chở gỗ từ cảng ra với khá nhiều khúc gỗ tròn dài hơn thùng xe gần 10 m. Tải trọng cho phép tại các cầu trên đoạn đường này đối với những loại xe trên tối đa chỉ 35 tấn. Tuy nhiên, đa số các xe này đều có tổng tải trọng trên 45 tấn.
Cuối tháng 6, hàng chục hộ dân tại xã Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) phải dùng nhiều vật dụng, cây cối chặn tuyến đường liên xã ngăn đoàn xe chở đất, đá phục vụ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nguyên nhân theo nhiều người dân là do lưu lượng xe quá dày đặc, chở quá tải khiến đường hư hỏng nặng, dù họ đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng nhưng không thấy xử lý. Chỉ từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Quảng Ngãi có gần 10 trường hợp người dân ở các xã của huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa tổ chức chặn những xe chở đất, đá quá tải đi qua.
Khó xử lý triệt để
Tuy tình hình xe có dấu hiệu quá tải hoạt động trên địa bàn như đã nêu nhưng ông Hoàng Ngọc Dũng, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Bình, cho biết thời gian qua, đơn vị này đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử phạt nhiều trường hợp xe ben chở quá tải ở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh, quốc lộ và tuyến nội đô TP Đồng Hới.
Ông Cao Quốc Trung, Đội trưởng Đội Quản lý QL1 (Chi cục Quản lý đường bộ 2.6 - Cục Đường bộ 2) đang quản lý QL1 đoạn qua khu đô thị Đông Nam Thủy An, khẳng định những xe chở đất phục vụ các công trình ở khu đô thị này đều có dấu hiệu quá tải trọng. Qua kiểm tra, đơn vị này đã nhiều lần xử phạt nhưng cũng gặp khó khăn như thiếu người và điều kiện hoạt động. Đại diện Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi cho biết tình trạng xe quá tải rất khó xử lý triệt để do thường hoạt động ở các tuyến đường ít có lực lượng CSGT hoặc thanh tra giao thông tuần tra và thường né trạm cân trong khi lực lượng thanh tra mỏng. “Nhiều lúc đội tuần tra vừa rời cơ quan là họ đã có người theo dõi, nắm bắt để hoạt động” - vị đại diện nêu.
Không phạt vì... cân hỏng
Trung tá Võ Hồng Quang, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định lực lượng này vẫn thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại những tuyến đường mà phóng viên Báo Người Lao Động nêu. Tuy nhiên, hiện cân xách tay của đơn vị bị hỏng nên không thể xử phạt lỗi quá tải. “Nếu xe chở hàng đã được đóng gói, có phiếu cân hàng tại các mỏ thì có thể kiểm tra, xử phạt được nhưng với đất, đá thì không thể xử phạt như cách của ngành giao thông” - ông Quang nói.
Bình luận (0)