Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và 2 năm triển khai thực hiện “Chương trình quốc gia về bình đẳng giới năm 2012-2013” trên địa bàn TP HCM do UBND TP HCM tổ chức sáng 12-3, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bình đẳng giới Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết số vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn thành phố giảm qua từng năm.
Cụ thể năm 2012 xảy ra 237 vụ, giảm 59,8% so với năm 2011; năm 2013 xảy ra 121 vụ giảm 49% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nạn nhân là nữ vấn chiếm tỉ lệ cao với 92,5% trong tổng số nạn nhân và người gây ra bạo lực là nam giới vẫn chiếm đại đa số. Điều này cho thấy tình trạng bất bình đẳng đối với giới nữ vẫn tồn tại ẩn sau trong nhận thức cả nam giới và nữ giới.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bình đẳng giới Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết tỉ lệ nữ bị bạo lực gia đình còn cao.
Một khảo sát về thực trạng và quan điểm người dân về thời gian tham gia công việc gia đình của phụ nữ và nam giới tại quận 3 và quận 10 do Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP HCM thực hiện cũng cho thấy thời gian làm việc nhà của nữ vẫn cao hơn nam.
Trung bình nữ làm việc nhà 4,2 giờ/ngày, còn nam là 3,6 giờ/ngày. Hơn 80% đối tượng được khảo sát cho rằng công việc quan trọng trong gia đình vẫn là do nam quyết định.
Có một điều khá lạ là quan niệm và thái độ của nam giới về trách nhiệm chia sẻ việc nhà với phụ nữ thì tỉ lệ nam giới cao hơn nữ. Điều này thể hiện nữ giới trong nhóm khảo sát vẫn nhận thức làm việc nhà là trách nhiệm của phụ nữ.
Đặc biệt, nam giới có trình độ học vấn càng cao thì tỉ lệ chấp nhận chia sẻ việc nhà càng cao. Như vậy, nhận thức và thái độ của nam giới đối với việc nhà có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng nhận thức và thái độ của nữ giới vẫn còn định kiến, chưa chấp nhận việc nam giới chia sẻ việc nhà.
Bình luận (0)