xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dân phá rừng, trưởng thôn từ chức

Theo ĐỨC BÌNH - MINH QUANG (Tuổi Trẻ)

Nằm giữa vùng “lõi” của khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn), rừng nghiến xã Côn Minh, huyện Na Rì được coi là khu bất khả xâm phạm. Thế nhưng rừng ở đây đã bị tàn phá, hàng trăm cây gỗ nghiến cỡ 100 năm tuổi bị triệt hạ. Sự tàn sát rừng nhức nhối đến mức trưởng thôn Lủng bảng (xã Côn Minh) đành phải từ chức vì bất lực.

 Mỗi ngày, hàng trăm người vẫn ngang nhiên vào ra khu bảo tồn thiên nhiên để tàn phá rừng nghiến. Biết bao cánh rừng, cây nghiến quý hiếm đã bị tàn phá, chặt hạ và mang ra khỏi rừng trót lọt. Tình trạng phá rừng nghiến ngay lõi khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ ngày một công khai và rầm rộ. Nhiều người dân ở Côn Minh (Na Rì) tỏ ra vô cùng bức xúc, đồng thời nghi ngờ khả năng quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền và lực lượng chức năng...

Cả làng làm... “lâm tặc”

Sáng 3-10, khi chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Đức Toàn, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Lủng Pảng, cũng là lúc ông đang cặm cụi viết những dòng chữ đầy tâm trạng: đơn xin thôi việc, sau hơn mười năm tại chức. Ông viết: “Hiện nay trong thôn Lủng Pảng việc bảo vệ rừng xảy ra rất bức xúc. Việc khai thác gỗ trái phép, hết gỗ tạp lại chuyển sang gỗ nghiến, bản thân tôi tuy là trưởng thôn nhưng hoàn toàn bị bất lực và cô lập vì trong thôn hiện nay đã chiếm 95% số hộ đi làm gỗ. Do vậy, tôi cảm thấy không thể quản lý nổi nữa”. Cũng nội dung như vậy, ông viết thêm cả một lá đơn gửi bí thư đảng ủy xã xin “nghỉ từ ngày 4-10, mọi công việc của thôn tôi không làm nữa, họp hành ở xã tôi cũng không tham gia nữa. Mong cấp trên xem xét, củng cố lại”.

img
Lá đơn xin thôi việc - Ảnh: Đ.BìNH

Trước đó sáng 2-10, tại một cuộc họp của xã, ông lên tiếng về tình trạng tàn phá rừng nghiến công khai. Tại đây, ông tuyên bố sẽ viết đơn từ chức bởi bất lực trước nạn phá rừng. Nghe tin này, mấy tay lâm tặc tỏ ra hí hửng, còn người tâm huyết với công cuộc bảo vệ rừng thì buồn. Nói là làm, ông viết đơn từ chức ngay. “Tôi không muốn gây khó dễ cho chính quyền, nhưng hơn một năm nay rất nhiều cuộc họp tôi đã nêu hiện trạng này nhưng chẳng thấy ai quan tâm, tình trạng phá rừng vẫn ngang nhiên, công khai tiếp diễn”, ông Toàn tâm sự.

Ông Toàn là người Dao, cả bản Lủng Pảng của ông có 32 hộ dân (132 người đều là dân tộc Dao) thì có đến 23 hộ dân là họ hàng thân thích. Xưởng xẻ gỗ từng mọc lên ngay tại khu bảo tồn, trên đất bản ông cũng chính do người em rể của ông đứng tên làm chủ. Thấy ông tích cực tuyên truyền bảo vệ rừng, ngăn chặn phá rừng nhiều người trong bản gặp ông không muốn hỏi, “có cỗ không mời”. Đau hơn, ngay trong nhà ông, thằng con út cũng theo đám phá rừng đi chặt hạ gỗ nghiến. Ông nói như khóc: “Cũng chỉ vì triệt hạ gỗ nghiến kiếm tiền, gia đình tôi đã lục đục. Tôi ra đường người ta chỉ mặt: con đảng viên còn phá rừng thì nói ai nghe”.

Không công ăn việc làm, cả bản chỉ có hơn 7ha ngô và ít diện tích lúa một vụ/năm. Một năm người thu nhập cao nhất bản cũng chỉ 1,2 triệu đồng. Từ hơn bốn năm trước, tình hình kinh tế của dân trong bản càng sa sút khi các chương trình, dự án về rừng không còn. Hơn 130 người dân bản chỉ trông vào hơn 7ha ngô mà thôi. Nay “cơn bão” phá rừng nghiến quét qua bản ông khiến nhà nhà, người người đều bị cuốn vào.

Có hay không sự tiếp tay cho việc phá rừng?

Rất nhiều người dân ở Côn Minh khẳng định: không có chuyện tiếp tay thì làm sao giữa ban ngày ban mặt đám phá rừng dám lộng hành. Lão Ma bức xúc: “Đường vào khu bảo tồn có nhiều đâu, mỗi thôn chỉ có mỗi đường độc đạo, gỗ vẫn hằng ngày đi ra trên con đường ấy dù có trạm kiểm lâm”.

Một chuyện lạ “quý hiếm” ở Côn Minh. Đó là không hiểu vì sao, một xưởng xẻ gỗ được phép thành lập ngay vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (thôn Lủng Pảng). Ông trưởng bản Lủng Pảng cho biết xưởng xẻ gỗ này xuất hiện từ năm 2007 và nằm chình ình ngay cửa ngõ duy nhất vào rừng nghiến và thôn Lủng Pảng, mãi cho đến những ngày cuối tháng 9-2008 xưởng gỗ này mới chịu “biến mất”.

Trưa 3-10, tại trụ sở UBND xã Côn Minh, cả bí thư đảng ủy Nông Minh Cương lẫn chủ tịch UBND xã Triệu Thị Len đều tỏ vẻ lúng túng khi được hỏi về nạn chặt phá rừng và về xưởng xẻ gỗ cũng như hai lá đơn xin thôi việc của ông Toàn. Bà chủ tịch Len chỉ hứa: “Sẽ xem xét ngay...”. Còn ông Nguyễn Duy Quyến - trạm trưởng trạm kiểm lâm Côn Minh - lúng túng chống chế: “Xưởng xẻ gỗ thực chất theo giấy phép của Sở Kế hoạch - đầu tư cho thành lập là “hợp tác xã chế biến nông lâm sản” đặt ở rìa khu bảo tồn, nhưng không hiểu sao ông chủ nhiệm Nguyễn Quốc Lập (dân gọi là Ngoan) lại đặt vào trong khu vực bảo tồn”.

Chính ông trưởng thôn Toàn (là anh họ ông Lập - chủ xưởng xẻ gỗ) cho biết gỗ nghiến từ rừng ra hầu hết được lâm tặc bán cho ông Lập và ông Lập tổ chức “chế biến” ngay tại xưởng. Kiểm lâm, chính quyền có biết không và sao lại để kéo dài đến thế? Một lần nữa ông Quyến ấp úng không thể trả lời, nhưng ông bao biện: “Lực lượng của chúng tôi quá mỏng, phương tiện đi lại không có, cả trạm chỉ có ba người... Sau khi kiểm tra, xưởng xẻ gỗ của ông Lập đã được yêu cầu dỡ bỏ trước 15-10, nhưng ngay cuối tháng 9-2008 ông Lập đã dỡ rồi”. Bà chủ tịch Len đỡ lời ông Quyến: “Từ tháng 7-2008 chúng tôi đã lập đoàn liên ngành gồm trưởng công an, quân sự, ban lâm nghiệp, văn hóa xã cùng kiểm lâm để tăng cường kiểm tra, truy quét lâm tặc. Thế nhưng chưa bắt được vụ vi phạm nào”.

“Đánh bùn sang ao”?

Đội liên ngành xã không bắt được vụ nào, nhưng đội kiểm lâm cơ động số 2 của Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn thì đã bắt được. Cụ thể, cuối tháng 8-2008, đội cơ động kiểm lâm số 2 đã phát hiện 11,7m3 gỗ xẻ (tương đương gần 19m3 gỗ tròn) ở đỉnh đèo Gốc Phát của thôn Bản Cào (xã Côn Minh) đang chờ mang đi tiêu thụ. Không hiểu sao sau đó toàn bộ số gỗ này (được coi là tang vật vụ án) đã được “hợp thức hóa” bằng cách xử lý hành chính và nhanh chóng bán lại cho một đầu nậu gỗ tại địa phương với giá chỉ có 1,2 triệu đồng/m3, thấp hơn nhiều giá bán thực tế trên thị trường.

Chính ông Sầm Văn Cách - trưởng Công an xã Côn Minh - cũng không thể hiểu nổi cách xử lý này. Ông Sầm Duy Cách đưa chúng tôi đến đỉnh đèo Gốc Phát (nơi phát hiện 11,7m3 gỗ đã xẻ), và chỉ nơi có bốn gốc cây khế rừng hàng trăm năm tuổi mới bị chặt hạ. Hiện trường còn lại chỉ là gốc với những mầm cây mới nhú ra cùng vỏ và cành cây vẫn nằm ngổn ngang trên diện tích khoảng 300-400m2.

Dư luận cho rằng phải chăng cơ quan chức năng đã cố tình “hành chính hóa vụ án hình sự”, cố tình “đánh bùn sang ao”? “Nếu cứ như thế này chẳng bao lâu nữa rừng ở khu bảo tồn chẳng còn gì, cũng chẳng còn ai đứng ra bảo vệ rừng nữa” - lão Ma ngán ngẩm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo