Sáng 28-4, UBND TP HCM đã họp thường kỳ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 4 tháng đầu năm 2016.
Nhiều chỉ số bị giảm
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, cho biết Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP năm 2015 đạt hạng 6 trên cả nước, tụt 2 hạng so với năm 2014, trong đó nhiều chỉ số thành phần tụt giảm nghiêm trọng. “Thảm hại nhất là chỉ số về tính minh bạch, khi tụt từ hạng 4 xuống 17. Chỉ số về chi phí không chính thức tụt từ hạng 42 xuống 54” - ông Phong nêu.
Theo ông Phong, những chỉ số cảnh báo về môi trường đầu tư của TP khiến chúng ta phải suy nghĩ. Do đó, các sở - ngành, quận - huyện phải quyết tâm đưa ra những giải pháp thật cụ thể để nâng cao thứ hạng của TP. Người đứng đầu chính quyền TP càng trăn trở hơn về môi trường đầu tư khi đề cập vụ chủ quán Xin Chào ở huyện Bình Chánh bị khởi tố vì chậm đăng ký giấy phép kinh doanh. “Vụ việc này tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh trong khi TP đang tập trung tạo môi trường đầu tư lành mạnh cho doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện cho người dân làm ăn” - ông Phong đánh giá.
Không dừng lại ở PCI, ông Phong cũng rất tâm tư về Chỉ số đo lường hiệu quả hành chính công cấp tỉnh (PAPI) khi TP xếp thứ 47/63 tỉnh - thành, tụt 29 bậc so với năm 2011. “Đây là một thực tế rất nhức nhối. Rõ ràng, sự đánh giá của người dân đối với chính quyền cơ sở không cao” - ông Phong nhìn nhận.
Phân tích về lý do tụt hạng các chỉ số, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng điểm mấu chốt là mối quan hệ giữa cán bộ và người dân. “Thời gian qua, TP làm nhiều việc nhưng phải chăng chúng ta chưa đáp ứng được nguyện vọng của dân. Điều này cho thấy quan hệ giữa cán bộ với người dân chưa tốt, cán bộ chưa sát với dân” - ông Hoan nói. Theo ông Hoan, cán bộ còn thói quen tư duy xin - cho, dân xin gì cho nấy, hỏi gì đáp nấy, trong khi lẽ ra phải tư vấn và hướng dẫn nhiệt tình cái mà dân đang cần. “Đó là chưa kể tình trạng từng cơ quan trong các sở, ngành vẫn có mối quan hệ díc-dắc, có một việc mà nhiều phòng, ban giải quyết dẫn đến tình trạng ai xử lý cũng được và cuối cùng không ai chịu xử lý” - ông Hoan chỉ ra.
“Kiếm chuyện hoài là không được!”
Không khí cuộc họp càng căng thẳng khi người đứng đầu chính quyền TP nổi nóng vì sự chậm trễ của các sở, ngành trong thực thi công vụ. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói: “Tôi chỉ đạo thành lập tổ giải quyết các vấn đề người dân phản ánh, rồi đến việc thành lập tổ công tác tái định cư 12.500 căn nhà ở Thủ Thiêm đã gần 1 tháng nhưng Sở Xây dựng vẫn chưa trình dự thảo. Những chuyện này rất đơn giản nhưng các đồng chí cứ bảo là đang nghiên cứu. Tôi không hiểu các đồng chí nghiên cứu kiểu gì mà nghiên cứu miết!”. Chủ tịch UBND TP cho rằng chính quyền phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân, doanh nghiệp. Giải quyết được hay không thì phải trả lời cho người ta chứ cứ bảo chờ là không được. “Lòng tự trọng của một người nhận nhiệm vụ trước Đảng, trước dân không cho phép chúng ta làm như thế” - ông Phong nhấn mạnh và yêu cầu các sở, ngành phải sâu sát hơn, đốc thúc cán bộ khẩn trương giải quyết các công việc cho dân cũng như doanh nghiệp, không để tồn tại tình trạng dân nôn nóng còn cán bộ cứ tà tà.
Trưa cùng ngày, ông Võ Văn Hoan đã chủ trì buổi họp báo để giải đáp các thắc mắc của báo chí về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong tháng 4-2016.
Trước nhiều câu hỏi của phóng viên về vụ quán Xin Chào, ông Hoan cho biết Công an TP đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát lại các hồ sơ và vụ việc ở Bình Chánh. “Đây là vụ việc vừa đáng tiếc vừa đáng buồn nhưng đừng vì chỉ riêng nó mà nâng vấn đề lên thành một sự liên kết giữa các cơ quan với nhau trong xét xử” - ông Hoan nói. Theo ông, hành vi của chủ quán Xin Chào là có sai nhưng cái sai này chưa cấu thành tội phạm ở mức khởi tố.
“Ở góc độ các cơ quan chức năng, cán bộ phải tự chấn chỉnh và soi rọi chính mình vì đã có nhận định không đúng, thổi phồng sự việc. Kêu gọi người ta khởi nghiệp mà mình cứ kiếm chuyện hoài là không được” - ông Hoan nhấn mạnh.
Kinh tế tăng trưởng khá
Báo cáo của UBND TP HCM đánh giá trong tháng 4, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá; các hoạt động dịch vụ, thương mại, công nghiệp đều có hiệu quả. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sử Ngọc Anh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 230.850 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 6,2% so cùng kỳ, trong đó một số ngành tăng cao như sản xuất đồ uống, sản phẩm từ khoáng phi kim loại… Về thu ngân sách, TP đạt 98.572 tỉ đồng, bằng 33% dự toán và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa tăng gần 16%.
Bình luận (0)