Vụ Công ty Thuận Phong nghi sản xuất phân bón giả do Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Ban Chỉ đạo 389 - trực tiếp vào cuộc, sau đó bàn giao chứng cứ, tang vật cho Công an tỉnh Đồng Nai. Sau nhiều lần “giằng co” do quan điểm trái ngược, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc.
“Chứng cứ rành rành”
Theo hồ sơ, ngày 24-4, tổ công tác của Ban Chỉ đạo 389 cùng đoàn liên ngành tỉnh Đồng Nai bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Thuận Phong tại khu đất của quân đội ở phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện công nhân đang sang chiết, đóng gói và dán nhãn mác số lượng lớn phân bón có dấu hiệu làm giả.
Đoàn kiểm tra đã niêm phong hơn 3.200 chai phân bón đã được dán chữ Made in USA, gần 150 nhãn chuẩn bị dán lên sản phẩm và hơn 1.500 tem, nhãn hiệu của công ty nước ngoài - Huma Gro.
Đoàn kiểm tra phát hiện trong vòng hơn 1 năm, Công ty Thuận Phong bán trên 4.000 chai phân bón thuộc loại nêu trên, với khoảng 23.000 lít. Các mẫu giám định cho kết quả 19/29 mẫu không đạt chất lượng như đã ghi trên bao bì.
Từ các cứ liệu trên, Ban Chỉ đạo 389 hối thúc Công an tỉnh Đồng Nai nhanh chóng vào cuộc. “Vụ việc có nhiều dấu hiệu về hành vi sản xuất kinh doanh trái phép, sản xuất kinh doanh hàng giả cấu thành tội phạm hình sự, được phát hiện quả tang, chứng cứ rành rành không khó để kết luận…” - đại diện Ban Chỉ đạo 389 khẳng định.
Cơ quan chức năng “đá” nhau
Sau khi nhận hồ sơ từ Ban Chỉ đạo 389, Công an tỉnh Đồng Nai đã điều tra và kết luận: Vụ việc không có dấu hiệu hình sự.
Vào giữa tháng 8-2015, Công an tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp với các cơ quan chức năng liên ngành. Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng sau khi nghiên cứu hồ sơ với VKSND cùng cấp, xét thấy không đủ yếu tố, tính chất để khởi tố vụ án. Việc này khiến Ban Chỉ đạo 389 rất bức xúc. Kết thúc cuộc họp, các bên thống nhất CQĐT phải tiếp tục điều tra một số yếu tố liên quan.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 10-2015, tại cuộc họp có mặt các đại diện Ban Chỉ đạo 389, Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng…, một lần nữa Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định “không thể tìm ra” yếu tố hình sự trong vụ việc. Tại cuộc họp, đại diện Thanh tra Bộ Quốc phòng phản ứng gay gắt khi cho rằng vụ việc còn quá nhiều yếu tố có dấu hiệu hình sự cần được làm rõ.
Ban Chỉ đạo 389 chỉ ra gần chục nội dung có dấu hiệu hình sự mà Công an tỉnh Đồng Nai bỏ qua, như: việc sản xuất khi chưa được cấp phép, in các thông tin không có thật trên bao bì, in ấn nhãn mác ở địa bàn nhưng hình thức nhãn mác là của một công ty nước ngoài... Dù vậy, Công an tỉnh Đồng Nai vẫn kết thúc điều tra, chuyển vụ việc cho Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai xử lý hành chính.
Ngày 3-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Phan Trọng Lộc, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết theo yêu cầu của các bên, CQĐT sẽ tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề. Tuy vậy, tính chất và kết quả điều tra ít có khả năng thay đổi. “Trong những ngày tới, Công an tỉnh Đồng Nai phải có kết quả điều tra cuối cùng để báo cáo lên các bộ, ngành và trình Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc” - đại tá Lộc thông tin.
Công ty “sai sót vô tình”!
Trao đổi với phóng viên, ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phong, phân trần công ty không có chủ đích làm giả phân bón, nếu chưa đạt chất lượng cũng chỉ là “sai sót vô tình”.
“Công ty đóng cửa nhiều tháng, công nhân mất việc, thương hiệu sau bao năm gầy dựng bị ảnh hưởng, dư luận lên án... dù chưa có kết luận cuối cùng khiến chúng tôi đi vào đường cùng” - ông Tường bày tỏ.
Bình luận (0)