Sáng nay, 10- 8, TAND tỉnh Kiên Giang đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tờ vé số trúng 1,5 tỉ đồng nghi bị đánh tráo khiến dư luận xôn xao suốt nhiều năm qua. Bị đơn trong vụ án này là ông Ngô Xương Phúc (45 tuổi), chủ đại lý vé số Triều Phát ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Tuyết (54 tuổi), ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
HĐXX phúc thẩm sáng nay. Ảnh: CÔNG TUẤN
Trước đó, vào đầu tháng 4 vừa qua, TAND TP Rạch Giá đã đưa vụ án này ra xét xử sau nhiều lần bị tạm hoãn. Kết quả, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phía bị đơn phải có trách nhiệm trả lại 1,5 tỉ đồng cho bà Tuyết nên ông Phúc đã kháng cáo.
Bà Tuyết tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: CÔNG TUẤN
Theo bản án sơ thẩm, ngày 22-7-2011, bà Tuyết cùng cậu ruột là ông Trần Thanh Phương (63 tuổi), ông Đặng Hồng Tâm (lái xe ôm) và một số người thân trong gia đình đến đại lý vé số Triều Phát để đổi thưởng tờ vé số trúng giải đặc biệt 1,5 tỉ đồng (dãy số 938368), do Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết An Giang phát hành ngày 21-7-2011.
Khi đến đại lý, bà Tuyết đưa tờ vé số cho ông Phương để ông Phương đưa cho ông Phúc. Sau khi xem qua bằng mắt thường, ông Phúc tiếp tục đưa tờ vé số vào máy soi để kiểm tra và khẳng định với bà Tuyết rằng tờ vé số đã trúng giải đặc biệt. Ông Phúc hỏi bà Tuyết lấy vàng hay tiền thì bà Tuyết bảo lấy 20 lượng vàng, còn lại lấy tiền. Ông Phúc kêu chị ruột của mình là Ngô Minh Thu điện thoại hỏi giá vàng, sau đó báo lại cho bà Tuyết và 2 bên đã thống nhất.
Cho rằng mình có khoảng 30 năm làm đại lý vé số nhưng sau khi xem qua bằng mắt thường và đem vào máy soi, ông Phúc không phát hiện ra tờ vé số bị cắt, dán thế này
Trong quá trình làm thủ tục trả thưởng, ông Phúc lật ngược tờ vé ra mặt sau và đẩy về phía ông Phương để ông này ký xác nhận vào. Nghĩ đây là tờ vé số mà mình đã đưa cho ông Phúc trước đó nên ông Phương bặt bút ký vào mà không lật lại mặt trước xem lại. Khi chuẩn bị trả thưởng, ông Phúc kêu cháu mình là Ngô Xuân Bình (đang ở phía trước cửa đại lý) vào kiểm tra lại tờ vé số. Anh Bình cầm tờ vé số lên xem và nói tờ vé số bị cắt dán nên ông Phúc không trả thưởng cho bà Tuyết, từ đó 2 bên xảy ra tranh chấp.
Trong quá trình giải quyết vụ án tại phiên tòa, bà Tuyết đều xác định tờ vé số bà đưa cho ông Phúc là tờ trúng giải đặc biệt, còn tờ vé số bị cắt dán (dán chồng lên số đầu và số đuôi trong dãy 6 con số) hiện do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đang quản lý không phải là tờ vé số mà bà đã đưa cho ông Phúc. Vì thế, bà Tuyết yêu cầu ông Phúc phải bồi thường 1,5 tỉ đồng.
HĐXX sơ thẩm nhận định, trong quá trình làm việc tại tòa án và tại phiên tòa, ông Phúc đều thừa nhận sau khi nhận tờ vé số của bà Tuyết, ông Phúc đã xem bằng mắt thường và đưa vào máy soi mới kết luận tờ vé số đó đã trúng giải đặc biệt (trước tòa, ông Phúc nhiều lần cho rằng mình có khoảng 30 năm kinh nghiệm làm đại lý vé số- PV); đồng thời tờ vé số này hoàn toàn nguyên vẹn, còn trong thời hạn lĩnh thưởng. Như vậy, tại thời điểm bà Tuyết giao dịch với ông Phúc, tờ vé số của bà Tuyết là giấy tờ có giá trị trúng thưởng với số tiền 1,5 tỉ đồng. Đây là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà Tuyết. Bà Tuyết đã giao cho ông Phúc quản lý tại thời điểm thực hiện giao dịch đổi thưởng. Sau đó, ông Phúc tự ghi số CMND của bà Tuyết vào mặt sau tờ vé số và yêu cầu ông Phương ký tên vào nhưng không đưa bà Tuyết kiểm tra lại có đúng với tờ vé số ông Phúc đã nhận của bà Tuyết hay không.
Kết quả giám định đoạn video ghi hình quá trình đổi thưởng của bà Tuyết tại đại lý Triều Phát, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kết luận rằng tờ vé số mà ông Phương đưa cho ông Phúc và tờ vé số mà ông Phúc đưa lại cho ông Phương ký tên không phải là một. Bên cạnh đó, ngày 25-12-2012, Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết An Giang cũng có công văn xác nhận kỳ vé 7K3 mở thưởng ngày 21-7-2011 có 5 vé trúng giải đặc biệt. Tuy nhiên, đã quá 60 ngày kể từ ngày mở thưởng, công ty chỉ mới trả thưởng cho 2 vé trúng giải đặc biệt, còn lại 3 vé không có người đến lĩnh thưởng.
Bà Tuyết và người thân vui mừng khi HĐXX cấp sơ thẩm tuyên nguyên đơn thắng kiện. Ảnh: THỐT NỐT
Từ những cơ sở trên, HĐXX sơ thẩm nhận định, ông Phúc đã nhận của bà Tuyết tờ vé số có dãy số 938368. Tuy nhiên, từ thời điểm ngày 22-7-2011 (ngày ông Phúc nhận tờ vé số của bà Tuyết) cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm, ông Phúc vẫn chưa trả thưởng cho bà Tuyết theo thỏa thuận, đồng thời cũng không giao lại cho bà Tuyết đúng tờ vé số mà ông Phúc đã nhận của bà Tuyết. Ông Phúc cũng không chứng minh được tờ vé số của bà Tuyết mà ông đã nhận hiện đang ở đâu. Do đó, HĐXX sơ thẩm buộc ông Phúc phải có nghĩa vụ bồi thường cho bà Tuyết 1,5 tỉ đồng là phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, do quá bức xúc trước việc tờ vé số của mình nghi bị đánh tráo nên bà Tuyết và người thân của mình đã tìm đến đại lý vé số của ông Phúc để phản ứng. Hậu quả, bà Tuyết và người con gái đã bị tuyên phạt 12 tháng tù; 2 người thân khác của bà cũng bị phạt 7 tháng tù (bằng với thời hạn tạm giam).
Có đến 3 luật sư (bên trái) bảo vệ ông Phúc. Trong khi phía bà Tuyết chỉ có một luật sư bảo vệ miễn phí từ phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: CÔNG TUẤN
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm sáng nay, ông Phúc mời thêm 2 luật sư đến từ TP Cần Thơ để cùng với một luật sư tại TP Rạch Giá bảo vệ cho ông. Như vậy, đã có ít nhất 5 luật sư được ông Phúc mời tham gia, trong đó có 2 luật sư ở Kiên Giang đã tự rút trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra. Trong khi đó, từ lúc xảy ra vụ án đến nay, phía bà Tuyết chỉ có duy nhất luật sư Nguyễn Ánh Dương (Trưởng Văn phòng Luật sư Thiện Tâm, thuộc Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) nhận bào chữa miễn phí.
Trao đổi với chúng tôi trước khi vào phòng xử án, bà Tuyết cho biết bà mong rằng HĐXX cấp phúc thẩm sẽ công tâm, khách quan trong quá trình xét xử.
Bình luận (0)