Ngày Sức khỏe thế giới (7-4) năm 2017, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn chủ đề là “Trầm cảm - Hãy trò chuyện” với mong muốn tăng cường nhận thức của toàn xã hội về sức khỏe tâm thần. Tại Việt Nam, bệnh này ngày càng phổ biến nhưng số người đến bệnh viện điều trị rất thấp.
Buồn chán là nghĩ đến... cái chết
Từng sống rất lạc quan, yêu đời, được bạn bè đánh giá là một cô gái vui vẻ, hòa đồng, học giỏi nhưng hơn một tháng nay, sau khi chia tay người yêu, T.H.A (21 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) luôn bị mất ngủ, sút cân, hay khóc một mình. Cô luôn cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa và muốn chết để chấm dứt đau khổ nên gia đình phải đưa đến bệnh viện điều trị.
Cùng điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là một bệnh nhân nam vừa nghỉ hưu. Người này đã tự sát bằng cách cuốn dây đồng vào cổ tay, cổ chân rồi kích điện vì luôn cảm thấy căng thẳng, buồn chán với cuộc sống.
Bác sĩ trò chuyện với bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: THẾ ANH
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã điều trị cho bệnh nhân Lê Thị Lan H. (35 tuổi, ngụ Nam Định) vì đã uống tới 60 viên thuốc huyết áp (gấp 60 lần liều thông thường) để tự tử. Bệnh nhân này có tiền sử bệnh trầm cảm trong thời gian dài.
PGS-TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam, cho biết rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay. Ước tính, khoảng 30% dân số mắc các rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm 25%.
Theo PGS-TS Nguyễn Doãn Phương, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, trong năm 2016, viện đã khám, điều trị cho gần 19.000 lượt bệnh nhân trầm cảm. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 36.000-40.000 người tự tử do trầm cảm. “Đa số bệnh nhân tự tử do thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống” - ông Phương lo ngại.
Nhiều ca tự tử đáng tiếc
Đề cập sâu về “căn bệnh thời đại” này, PGS Trần Văn Cường cho biết trầm cảm là bệnh lý phức tạp với 13 thể khác nhau. Trong đó, nhiều thể giống bị chấn thương, nhiều thể tương tự bệnh nội khoa... nên cần hội chẩn nhiều lần mới tìm ra bệnh.
“Có tới hơn 2/3 người bị trầm cảm không nhận ra mình mắc bệnh và không được điều trị. Chỉ có khoảng 20% bệnh nhân được điều trị đúng chuyên khoa và đúng phác đồ” - PGS Cường băn khoăn.
Bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng Phòng Điều trị các rối loạn liên quan đến stress - Viện Sức khỏe tâm thần, phân tích: Stress do áp lực công việc dẫn đến tự sát là một dạng bệnh lý tâm thần nặng. Những người này bắt buộc phải nhập viện điều trị dưới sự quản lý chặt chẽ của nhân viên y tế cũng như gia đình để bảo vệ an toàn cho họ. Biểu hiện ban đầu là khó ngủ, hay cáu gắt với người xung quanh, buồn nản, mệt mỏi. Lâu ngày, bệnh nhân sẽ lo âu, không kiểm soát được hành vi. Tiếp đó, họ sẽ xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực như xem tự sát là một cách để thoát khỏi trạng thái căng thẳng.
“Tỉ lệ bệnh nhân bị stress do áp lực công việc tăng rõ rệt trong thời gian gần đây. Có nhiều ca tự tử rất đáng tiếc bởi trước đó người bệnh đã bị trầm cảm, buồn rầu nhưng người nhà lại bỏ qua” - bác sĩ Tâm nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ tâm thần, việc trò chuyện, chia sẻ có thể giúp tránh được kết cục đáng tiếc cho người bệnh trầm cảm. Cần đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ khi họ có cảm giác buồn chán, trống rỗng, khó tập trung suy nghĩ, hay quên, luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì, cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, hay cáu gắt, giận dữ... Nhiều bệnh nhân trầm cảm còn có triệu chứng đau đầu, đau tức ngực, rối loạn tiêu hóa... lặp đi lặp lại trên 2 tuần.
Giết cả người thân
Theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, đối chiếu với 300 mã bệnh tâm thần đã được nghiên cứu cho thấy ngay cả một người bình thường trong suốt cuộc đời cũng có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng tâm thần. Vì hiểu sai về bệnh nên nhiều người khi có các vấn đề về sức khỏe tâm thần thường né tránh, không điều trị, làm bệnh ngày càng nặng.
“Có người bệnh tâm thần lần đầu đến khám vào buổi sáng, bác sĩ giữ lại điều trị nhưng gia đình xin về thì ngay buổi chiều đã giết hại người thân của mình” - bác sĩ Cương cảnh báo.
Với phụ nữ, sự thay đổi hormone ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sẩy thai, giai đoạn mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Người cao tuổi sống độc thân hoặc ly dị, ly thân có nhiều nguy cơ bị trầm cảm. Thực tế, hơn 50% bệnh nhân có nguy cơ tái diễn trầm cảm sau cơn thứ nhất, tỉ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ hai và sau cơn tái diễn thứ ba là 90%.
Bình luận (0)