Theo tài liệu phóng viên Báo Người Lao Động có được thì dữ liệu về ô nhiễm tiếng ồn, không khí, chất lượng nguồn nước…được công bố trên các bảng điện tử giao thông vào ngày 10-4 được lấy kết quả đo từ hồi tháng 2.
Như vậy, thông tin nói trên không bảo đảm tính tức thời, phản ánh đúng thực trạng đúng ngay thời điểm người dân tiếp nhận.
Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường, Sở TN-MT TP HCM thừa nhận thông tin đó là chính xác.
Ông Sơn lý giải: “Lúc trước TP HCM có đầu tư 9 trạm quan trắc tự động nhưng qua thời gian sử dụng đã xuống cấp hư hỏng. Như vậy, kết quả đo phải dựa trên trạm đo thủ công và kết quả công bố quan trắc đợt vừa rồi được thu thập số liệu trung bình của tháng 2”.
Ông Sơn giải thích để có kết quả tháng 3, phải đến ngày 31-3 mới lấy thông tin và mất vài ngày thống kê số liệu.
“Tương lai khi đề án đầu tư các trạm quan trắc tự động chắc chắn chúng tôi sẽ đấu nối vào các bảng điện tử và thông tin sẽ cập nhập số liệu tại thời điểm đo”, ông Sơn nói.
Trước đó, chiều 10-4, tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, quận 2, TP HCM một bản tin được xuất bản và đăng tải trên 48 bảng điện tử trên các trục đường chính ở TP HCM
Đây là dự án được mang tên “Công khai chỉ số môi trường” do Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) và Sở Giao thông vận tải TP HCM hợp tác. Dự án này có kinh phí khoảng 8 tỉ đồng. Trung bình mỗi tháng sẽ cập nhật 1 lần dữ liệu về ô nhiễm tiếng ồn, không khí,... lên các bảng điện tử và website của Sở TN-MT.
Người dân nhìn vào bảng điện tử dễ dàng nhận ra môi trường xấu hoặc tốt. Nếu chỉ số hiển thị màu xanh là môi trường đảm bảo, màu đỏ là đã bị ô nhiễm.
Mới đây Sở TN-MT đã trình UBND TP đề án phủ sóng các trạm quan trắc giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo đó, sẽ lắp đặt 27 trạm quan trắc tự động và 227 trạm bán tự động để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí. Dự kiến tổng kinh phí 495 tỉ đồng.
Danh sách vị trí đặt các bảng điện tử giao thông ở TP HCM:
Bình luận (0)