Mới nghe tưởng chuyện đùa nhưng đó đó không chỉ là chuyện thật 100% mà còn là nét đẹp truyền thống của người dân xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chợ Chuộng chỉ mở đúng 1 phiên duy nhất vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch.
Trò “có một không hai” này có từ bao giờ không ai biết, cũng không ai rõ, chỉ biết rằng vào ngày mồng 6 Tết âm lịch, hàng ngàn người dân lại kéo nhau về đây để được “đánh nhau” chí tử với những màn ném cà chua để cầu may. Theo quan niệm của người dân thì càng “đánh nhau” to thì mùa màng càng bội thu.
Hàng hóa mang đến chợ cũng khá phong phú, dân dã, mang đậm chất quê. Mọi thứ được bán ở chợ chủ yếu là cây nhà lá vườn như lòng bò, thịt trâu, rau, củ quả, bánh đúc, bánh dẽo... Đặc biệt, một thứ hàng hóa không thể thiếu trong chợ Chuộng đấy là cà chua, đấy chính là loại “nguyên liệu” chính dùng để “choảng nhau” cầu may dịp đầu năm.
Toàn cảnh phiên chợ độc đáo ở Thanh Hóa
Với người dân nơi đây, đến tham gia phiên chợ Chuộng đầu năm họ sẽ trút bỏ những xui xẻo và gặp được nhiều may mắn trong năm mới. Cũng vì vậy, mà ông bà xưa vẫn truyền miệng nhau câu thơ: “Chết bỏ con, bỏ cháu/Sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng”. Họ tâm niệm, nếu ai bỏ lỡ phiên chợ Chuộng thì cả năm ấy làm ăn thất bát, gặp nhiều rủi ro.
Như thành một phong tục, cứ mùng 6 Tết, già trẻ, gái trai khắp nơi trong vùng lại tìm đến chợ Chuộng để cầu may. Con cháu ở xa về ăn Tết vẫn thường tham gia chợ xong rồi mới đi đâu thi đi.
Về nguồn gốc của phiên chợ Chuộng, một cao niên xã Đông Hoàng cho biết vào thời vua Lê, đúng vào ngày mùng 6 Tết, có một vị tướng bị giặc đuổi chạy qua đây, để tránh bị địch phát hiện, vị tướng ra lệnh cho quân lính cùng dân làng họp chợ. Khi quân địch đến tưởng đó chỉ là một phiên chợ quê bình thường, không đề phòng, cảnh giác. Lúc vị tướng phát lệnh dân làng tấn công, quân địch bất ngờ không kịp trở tay và bị giết sạch.
Để tưởng nhớ vị tướng đã có công dẹp giặc, cứ ngày mùng 6 Tết người dân lại nô nức đến đây để họp chợ.
Đó cũng là lí do mà tại ngôi chợ quê này mới có màn “choảng nhau” chí tử bằng cà chua giữa thanh niên làng này với làng khác.
Khi chợ bắt đầu khai hội, từng tốp thanh niên cả nam lẫn nữ của các làng, tập trung thành từng nhóm, trên tay cầm những túi cà chua ném vào những tốp thanh niên của làng khác. Cuộc chiến diễn ra rất sôi nổi, ai bị “lĩnh” nhiều cà chua thì năm đó làm ăn gặp được nhiều may mắn.
Tuy nhiên chợ Chuộng bây giờ đã biến tướng rất nhiều, những năm gần đây chúng ta thường thấy cảnh đánh nhau sứt đầu mẻ trán giữa thanh niên làng này với làng khác. Thanh niên làng này nếu có thù oán với làng kia, mâu thuẫn nhau trong lúc làm ăn, hay thậm chí ghét nhau, tức nhau ở tận trong Nam ngoài Bắc họ đợi đến phiên chợ Chuộng để “phục thù”.
Người dân đến chợ để vui chơi, ăn uống... cầu cho 1 năm làm ăn gặp được nhiều may mắn
Và năm nay cũng vậy, trong lúc đám thanh niên làng này và làng khác đang “chiến” nhau tơi tả trong màn ném cà chua thì bỗng dưng tất cả mọi người ngơ ngác dừng hết lại hướng mắt về phía bờ sông, nơi có 2 tốp thanh niên choai choai khoảng 40 người đang lao vào đánh nhau, rất may lực lượng an ninh xã đã có mặt kịp thời nên không xảy ra đổ máu.
Anh Nguyễn Văn Hải, một du khách tham gia chợ Chuộng cho biết: “Thấy người ta nói đi chợ chuộng câu may sẽ được găp may, nhưng đi rồi mới thấy sợ, họ đánh nhau thật sự chứ không đùa, năm sau có cho tôi tiền tôi cũng không dám đi đâu”.
Được biết, năm nay chính quyền xã Đông Hoàng cấm không cho bán cà chua và ném ca chua, nhưng người bán và người mua vẫn đông. Tuy nhiên, nhiều ngưởi cho hay, nếu không cho ném cà chua thì còn gì là chợ Chuộng nữa.
Dưới đây là hình ảnh Phóng viên Báo Người Lao Động ghi lại ở phiên chợ có một không hai ở Thanh Hóa ngày 6 Tết Giáp Ngọ:
Chợ Chuộng chỉ họp duy nhất 1 phiên trong năm vào sáng ngày 6 Tết nguyên đán
Người dân qua cầu khỉ, chèo thuyền qua sông để đến chợ giao lưu
Đi chợ Chuộng dù ít hay nhiều bạn cũng phải mua con giống, cây giống, hoa quả, bánh trái hoặc ăn một thứ gì đó để một năm có nhiều may mắn
Cố gái này đã lĩnh trọn một màn mưa cà chua
Súng bắn đạn nhựa của Trung Quốc, một trò chơi nguy hiểm được bán tràn lan ở chợ Chuộng, thậm chí người lớn còn mua cả súng cho con trẻ chơi
Bình luận (0)