Giao lưu văn nghệ bên góc hành lang hẹp trên đảo chìm Cô Lin.Ảnh: Việt Thắng
“Ước gì đất liền và đảo chỉ cách tầm tay với để biển quanh đảo chìm bớt mênh mông”, nhà văn Nguyễn Thu Trân, Hội Nhà văn TPHCM, tâm sự sau chuyến thăm Trường Sa vào giữa tháng 5-2012 vừa qua. Ở hầu hết các đảo, nhất là đảo chìm, tâm trạng chung của cả chủ và khách là tiếc rẻ sau những chuyến viếng thăm chớp nhoáng.
Ngồi chưa ấm chỗ đã ra về
Ca sĩ Thanh Thúy đang "phiêu" cùng ngón đàn điêu luyện của thiếu úy Trần Xuân Hoàng, đảo chìm Cô Lin
Ca sĩ Mai Khôi hát cùng lính đảo chìm Đá Lớn A. Ảnh: Thu Trân
Bao bọc xung quanh các căn nhà trên đảo chìm là những rạn san hô rộng hàng chục ki lô mét. Vì vậy, tàu lớn không thể cập sát đảo mà phải thả neo ngoài khơi rồi ca nô sẽ ra rước khách vào. Do mất nhiều thời gian di chuyển trên biển nên hầu hết các chuyến thăm đảo chìm đều rơi vào buổi chiều. Vì vậy, trung bình mỗi chuyến thăm đảo chưa đến 2 giờ vì cứ triều xuống là khách phải ra về.
Hai giờ nghe có vẻ dài nhưng thực ra giây phút để chủ khách quây quần bên nhau có khi chỉ độ nửa giờ. Số người trong đoàn thường khoảng 100, ca nô đón đoàn lại có hạn nên việc đưa và đón khách cũng chiếm gần một nửa thời gian.
Bận đón khách nên nhiều chiến sĩ trên các đảo chìm không có thời gian giao lưu ca hát với văn công
Đảo nhỏ, “sân khấu” giao lưu có khi chỉ bên góc hành lang hẹp với một cây guitar, một organ. Ca sĩ hát không cần micro nhưng được “bè” bởi những tiếng vỗ tay cũng đủ làm sôi động cả một vùng đại dương. Vậy mà, khi cuộc vui chỉ vừa mới nồng lên thì được tin báo con nước đang xuống nhanh, làm cả chủ lẫn khách đều thẫn thờ, chỉ kịp bắt tay nhau, ghi vội số điện thoại rồi tranh thủ xuống tàu.
Ca sĩ Thu Thủy nhảy giao lưu với lính đảo chìm Đá Lớn A. Ảnh: Thu Trân
Hằng năm, vào mùa biển lặng từ tháng 3 đến tháng 5, có khoảng 20 đoàn ra thăm Trường Sa. Trong 12 đảo chìm, không phải nơi nào cũng được đón khách. Đó là chưa kể với đặc điểm có thềm san hô rộng nên trên một số đảo chìm thường có 2-3 điểm đóng quân A, B hoặc C. Thông thường, các đoàn đến thăm đảo thường ghé điểm A. Vì vậy, các chiến sĩ đóng quân trên các điểm còn lại rất thiệt thòi, thấy tàu đó nhưng chẳng gặp được ai.
Trong chuyến công tác “Góp đá xây Trường Sa” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức vừa qua, khi đến đảo chìm Đá Lớn, đoàn được chia làm 2 nhóm, 20 người thăm điểm C, còn phần lớn ghé điểm A. Đội văn nghệ xung kích cũng chia làm 2 tốp, 3 chàng trai của nhóm MTV qua điểm C; còn các ca sĩ Thanh Thúy, Mai Khôi và Thu Thủy thì sang điểm A.
Nhóm MTV (ảnh trên) cùng đoàn công tác Góp đá xây Trường Sa thăm đảo chìm Đá Lớn C. Ảnh: Duyên Trường
Một người trong đoàn chúng tôi ghé thăm điểm C của đảo Đá Lớn, khi về không cầm được nước mắt. Từ đầu năm đến giờ, có đến 18 đoàn ra thăm Trường Sa nhưng chỉ có lần này, lính đảo Đá Lớn C mới được tiếp khách. Quanh năm đối diện với sóng nước, họ thèm ánh mắt, nụ cười, tiếng nói của người khác đến mức phải gọi điện thoại cho đồng nghiệp bên điểm A để nghe ca sĩ Thanh Thúy hát.
Tiếc nuối hơn cả là khi đoàn chúng tôi ghé thăm đảo chìm Đá Tây C. Theo lịch trình, buổi sáng, đoàn sẽ ghé điểm A và đầu giờ chiều đến điểm C. Vậy mà, trưa đó, mưa gió nổi lên, đại dương dậy sóng. Để bảo đảm an toàn, chỉ có trưởng đoàn công tác đại diện qua thăm và mang quà cho lính đảo. Đảo thấy tàu, tàu thấy đảo, vậy mà chẳng đến được với nhau…
Thấy nhiều người cứ tiếc nuối vì cuộc gặp gỡ với lính đảo chìm quá ngắn ngủi, một thủy thủ tàu chở đoàn thăm Trường Sa giải thích: “Khi triều xuống, nếu chỉ chậm 15 phút thôi, có khi các chiến sĩ phải lội nước đẩy xuồng qua cả rạn san hô rộng mênh mông để đưa khách về, rất nguy hiểm và vất vả. Đó là chưa kể nếu về chậm, nước đang rút thì khi xuồng di chuyển có thể va phải san hô hoặc đá ngầm, hậu quả khó lường. Vì vậy, dù tiếc lắm nhưng phải về”.
Sân khấu giao lưu trên đảo chìm Đá Lát. Ảnh: Việt Thắng
Mong hơi ấm từ đất liền
Khi có khách ghé đảo, tiết mục mà các chiến sĩ chờ đợi nhất là giao lưu với đoàn văn công. Tuy nhiên, trong thời gian đó, nhiều người đang phải làm nhiệm vụ trực đưa đón đoàn, trực kỹ thuật, trực gác…
Một lần trên đảo chìm Đá Lát, khi đoàn văn công hát giao lưu trên tầng lầu, một anh lính hải quân đứng ở cầu cảng cứ ngóng về phía đó, miệng nhẩm theo nhịp đàn. Tôi thắc mắc sao không lên giao lưu cho vui, anh cười hiền khô: “Tôi có nhiệm vụ đón và đưa đoàn về. Dù bây giờ không có việc gì nhưng cũng không được rời vị trí”.
Phút chia tay bịn rịn trên đảo chìm Đá Lát. Ảnh: Việt Dũng
Chị Huỳnh Kim Em, Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Tuổi Trẻ tại miền Trung, mỗi lần chia tay đảo, ngồi trên ca nô về tàu là nước mắt lại lưng tròng. “Nhìn các chiến sĩ nghe văn công hát mà thương lắm, trong đôi mắt họ cứ ánh lên niềm khắc khoải. Lúc đó, mình mới thấy họ cần biết bao tiếng nói, tiếng hát, hơi ấm từ đất liền. Bởi vậy, tôi luôn nấn ná lại chuyến ca nô cuối cùng” - chị thổ lộ.
Thương lắm những nụ cười nồng hậu, những cánh tay vẫy mãi phút chia tay. Ảnh: Việt Dũng
Đến nhiều đảo ở Trường Sa, tôi có cảm giác màu da của những chiến sĩ trên các đảo chìm đậm màu nắng gió hơn các nơi khác. Cái màu đậm đà ấy nồng nàn hơn khi điểm lên những nụ cười trắng lóa. Để khi con tàu rời đảo đã xa lắm rồi, ánh mắt thiết tha, nụ cười nồng hậu đó vẫn còn vương trên từng cánh tay vẫy mãi.
Được đi Trường Sa là một may mắn mà không phải ai cũng có được và có thể là cơ hội duy nhất trong đời người. Vì vậy, khi chia tay, ít ai hẹn chắc ngày trở lại mà chỉ biết gửi trọn lòng mình vào những cái bắt tay. Thương làm sao những cái bắt tay trên các đảo chìm, nó không chỉ đơn thuần là phép xã giao mà là một thứ ngôn ngữ không lời. Bước lên đảo, bắt tay. Hỏi han nhau, bắt tay. Chụp chung với lính đảo một bức ảnh, lại bắt tay. Khi ra về, chủ khách không chỉ bắt tay mà còn siết tay nhau rất chặt...
Tiếp tục “Góp đá xây Trường Sa”
Công trình “Góp đá xây Trường Sa” nằm trên đảo chìm Đá Tây A, gồm 12 hạng mục như nhà ở lâu bền, bến cập xuồng, bể dầu…, kinh phí xây dựng 17 tỉ đồng do bạn đọc Báo Tuổi Trẻ đóng góp. Trong đó, công trình nhà ở lâu bền ngoài việc phục vụ tốt hơn công tác học tập, làm việc cho các chiến sĩ còn là nơi dừng chân, tránh bão của ngư dân đánh bắt xa bờ.
Công trình Góp đá xây Trường Sa trên đảo chìm Đá Tây A do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp xây dựng
Cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa” vẫn đang được Báo Tuổi Trẻ phát động sâu rộng trong toàn xã hội. |
Bình luận (0)