Ông nói: “... Yêu cầu công việc phải đi học hay đi học chỉ để đủ hồ sơ để bổ nhiệm cán bộ... Cần phải đào tạo lớp cán bộ kỹ trị, đào tạo đưa vào hệ thống lãnh đạo chính quyền, kỹ trị không có lý luận xa vời...”.
Phương thức đào tạo ở ta lâu nay chủ yếu theo chức nghiệp, nhằm vào việc tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ, công chức chứ chưa chú trọng đầy đủ tới những kiến thức và kỹ năng để xây dựng cho người công chức năng lực, thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao. Hiện trạng công tác đào tạo đang gây ra sự hụt hẫng về năng lực thực thi thích ứng với yêu cầu phát triển của đất nước đối với người công chức; so với yêu cầu nhiệm vụ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước trong tương lai thì sự hụt hẫng này càng trở thành thách thức lớn đối với chính quyền các cấp.
Nói cho dễ hiểu, ta chỉ chú ý việc đưa họ “ngồi vào ghế” mà chưa quan tâm đến chuyện họ “ngồi vào ghế” rồi làm như thế nào, làm được gì? Thiết nghĩ, để khắc phục, cần hướng đến việc đào tạo năng lực cho cán bộ, công chức.
Năng lực là tập hợp của nhiều yếu tố như kiến thức, các kỹ năng, khả năng, sự sẵn sàng để hành động và trách nhiệm. Khái niệm này gắn với khả năng hành động được hình thành trên cơ sở hiểu biết và kiến thức. Vì vậy, hai yếu tố này không tách rời nhau. Khả năng hành động là một năng lực, vì thế khi nói tới phát triển năng lực cũng có nghĩa là phát triển năng lực hành động. Hơn nữa, năng lực của một cơ quan, tổ chức còn gắn với các yếu tố mang tính hệ thống như chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nguồn lực thích hợp để tổ chức đó vận hành một cách trôi chảy và hiệu quả.
Nhiều nghiên cứu cho thấy năng lực cần đối với cán bộ, công chức trong bối cảnh yêu cầu của công cuộc tái thiết, phát triển đất nước và hội nhập đó là: hiểu về những nguyên tắc cơ bản của hành chính nhà nước, được tiếp cận một cách hệ thống đến những nguyên tắc về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong mối quan hệ với chính trị, khoa học tổ chức và khoa học hành chính; có khả năng vận dụng những kiến thức và nguyên tắc vào thực tiễn công tác; có khả năng tư duy độc lập trong thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả, đúng theo quy định và sáng tạo để phù hợp với thực tiễn; có khả năng nhận diện, phát hiện vấn đề; phân tích, đánh giá, tổng hợp, xử lý thông tin nhanh nhạy, biết sử dụng các công cụ thích hợp nhằm đưa ra giải pháp thích hợp, sáng tạo trong quá trình thực thi công vụ, vừa bảo đảm đúng pháp luật vừa bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn.
Các năng lực này được xây dựng trên nền tảng phẩm chất, thái độ và hành vi tương thích nhằm giúp người công chức có khả năng hoàn thành nhiệm vụ tương ứng với vị trí chức danh một cách chủ động và tích cực trong bối cảnh khó khăn, thách thức, yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ trong thực tiễn.
Bình luận (0)