Nhóm thanh niên trên gồm Trần Hữu Bình, Trần Thành Trí, Lê Hoàng Minh Tâm, Nguyễn Trường Minh Khang (cùng 17 tuổi); Nguyễn Đình Vĩnh Lộc, Hồ Quốc Đạt, Hồ Phước Duy, Võ Thành Công (cùng 18 tuổi).
Trong vụ này, tổng cộng 12 chiếc ô tô bị đập phá, tổng thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, một thiệt hại còn lớn hơn là người dân Đà Nẵng phải sống trong tâm trạng bất an ngay chính ở nơi mà họ từng tự hào là "Thành phố đáng sống nhất Việt Nam" bởi sự bình yên và nhiều giá trị văn hóa khác nữa đã được xác lập.
Nhớ một dạo, cánh tài xế xe khách ban đêm qua các tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng luôn nơm nớp lo sợ bị ném đá. Xe đang lưu thông với tốc độ cao bỗng dính vài cục đá bay vù từ trong bóng đêm lên thì không tài xế nào không giật mình. Không chỉ xe vỡ kính, móp méo mà nhiều hành khách lẫn tài xế đã tóe máu vì chuyện ném đá này. Khi một loạt đối tượng như Lang Huy Mân (20 tuổi) và Nguyễn Văn Hùng (19 tuổi; cùng ngụ tỉnh Đắk Nông), Đinh Tiên Hoàng Việt và Đặng Thế Tùng (cùng 17 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) bị bắt, bị pháp luật trừng phạt, nhiều người cũng đã ngạc nhiên trước lời khai của các đối tượng này là sau những cuộc nhậu, thậm chí chỉ vì "buồn chân buồn tay" nên rủ nhau ra đường ném đá vào xe khách cho vui!
Đập phá tài sản của người khác chỉ để cho vui? Ném đá làm hư hỏng phương tiện và tổn hại sức khỏe người khác để cho vui? Chỉ để vui nhưng gieo rắc nỗi bất an cho cộng đồng, gánh chịu sự trừng phạt của pháp luật? Sao có kiểu vui tàn nhẫn đến lạnh lùng, man rợ đến độ hồn nhiên thế (!?). Nghe mà giật cả mình.
Ngẫm một chút sẽ thấy thật đáng lo ngại khi tất cả đối tượng chọn cách vui kiểu này hầu hết ở tuổi 17-18, cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu", là thế hệ tương lai của đất nước. Những ai từng sống qua thời kỳ chiến tranh đều biết hàng vạn thanh niên ở lứa tuổi này đã từng xả thân hy sinh vì lý tưởng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Cuộc sống hòa bình hôm nay phải trả giá bằng máu xương của nhiều thế hệ thanh niên như thế.
Nhiều nhà tâm lý học định danh cho lối sống thích thể hiện bản thân, tàn nhẫn đến lạnh lùng, man rợ đến độ hồn nhiên như thế của một bộ phận giới trẻ chính là lối sống "ảo" - hệ quả của việc thiếu bản lĩnh, thói quen mong hưởng thụ nhiều hơn cống hiến. Lối sống này cũng có thể thấy được ở những biến thể khác, kiểu như vụ một nhóm phượt trẻ sửa cột mốc biên giới (Hà Giang) chỉ để chụp ảnh đăng lên mạng; một nam thanh niên tự thiêu chỉ vì 40.000 like trên Facebook; một nữ sinh mang xăng tới đốt trường học và phải nhập viện vì bỏng chỉ vì lời thách "câu 1.000 like"…
Lối sống ảo này đáng được xem là một căn bệnh xã hội thực sự chứ không chỉ là những hành vi gây mất trật tự xã hội đơn thuần. Căn bệnh ấy đang ngấm ngầm lây lan, tàn phá dần những giá trị cao cả mà nhiều thế hệ đã dày công vun đắp.
Bình luận (0)