Mặc dù các cơ quan chức năng Trung ương cùng chủ đầu tư khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ nước nhưng vẫn bảo đảm an toàn song chính quyền địa phương và các nhà khoa học vẫn tỏ ra lo ngại cho tính mạng hàng trăm ngàn hộ dân vùng hạ lưu nếu lũ sớm tràn về.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Bùi Trung Dung khẳng định: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải xử lý dứt điểm vết rò đập thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa lũ, nếu không sẽ cương quyết không cho tích nước”.
Công nhân xử lý sự cố rò rỉ nước đập thủy điện Sông Tranh 2
Hiện tại, Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 đang phát điện tối đa để hạ mực nước, lấy diện tích bề mặt để dán vật liệu chống thấm, tăng cường khả năng chống thấm của lớp bê tông bên ngoài. Mục tiêu phải rút nước ra ngoài thân đập để khôi phục, sửa chữa màng thu trong thân đập. EVN cũng thống nhất phương án mời chuyên gia giàu kinh nghiệm xử lý dứt điểm hiện tượng rò rỉ đập thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa mưa lũ năm nay.
TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội Đập lớn Việt Nam, lo ngại: “EVN cần mời chuyên gia giàu kinh nghiệm khẩn trương dùng hệ thống trang thiết bị hiện đại vào cuộc phát hiện các vết nứt để xử lý triệt để. Nếu chậm chạp, lũ sớm tràn về gây vỡ đập thì thảm họa thật khó lường”.
Trong khi đó, GS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu, bày tỏ lo lắng tột độ: “Từ trước đến nay, ở Việt Nam chưa có tiền lệ đập thủy điện xây dựng công nghệ đầm lăn hiện đại đã qua nghiệm thu, tích nước lòng hồ lại nứt, rò rỉ nước nguy hiểm như đập thủy điện Sông Tranh 2. Đập thủy điện này nằm trong đới đứt gãy địa chất hoạt động mạnh nên bị nứt, rò rỉ như thế càng gia tăng cường độ nguy hiểm cho vùng hạ du”.
Trước tình hình nguy cấp này, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng đã yêu cầu EVN cùng các nhà thầu khẩn trương thực hiện việc tiêu nước trong hành lang, giảm áp lực nước thấm ở phía hạ lưu tiến tới giải quyết việc thấm nước ra mặt ngoài hạ lưu đập. Song hành với công việc nêu trên, EVN chỉ đạo tư vấn thiết kế cùng với các chuyên gia khảo sát kỹ hiện trạng của đập, từ đó đưa ra giải pháp chống thấm triệt để và tổng thể cho đập.
Sau khi hoàn thành, Ban Quản lý dự án thủy điện 3, tư vấn thiết kế và các nhà thầu tổ chức đánh giá tổng thể chất lượng đập thông qua kết quả quan trắc sự làm việc của đập, hồ sơ nghiệm thu thi công xây dựng đập đối chiếu với yêu cầu thiết kế, từ đó mới có cơ sở kết luận việc chính thức nghiệm thu công trình. Trong mọi trường hợp, yêu cầu phải bảo đảm khả năng chịu lực của đập, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân hạ du.
Làm “nhỏ” vấn đề
GS-TSKH Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, Trưởng Ban Kỹ sư của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng: Chỉ với một thời gian ngắn như vậy mà đã có ngay kết luận về vụ rò rỉ nước tại thủy điện Sông Tranh 2 thì e rằng hơi vội vàng và có thể chưa phản ánh hết bản chất của hiện tượng. Lâu nay, trước một hiện tượng, sự cố thì các bên, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước, thường muốn làm “nhỏ” đi để tránh áp lực dư luận. Tuy nhiên, điều này cũng bắt nguồn một phần từ trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người chịu trách nhiệm khảo sát, đánh giá sự cố.
T. Dũng |
Bình luận (0)