Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Lê Trường Xuân - học sinh lớp 12A1 Trường THPT Thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị - đạt điểm 3 môn toán, lý, hóa lần lượt là 9,2 - 8,5 - 10. Dù mừng vì kết quả thi khá cao nhưng Xuân vẫn canh cánh mối lo về chặng đường tiếp theo của mình bởi nhà quá nghèo.
Không thỏa mãn, tự cao
Ngôi nhà nhỏ của gia đình Lê Trường Xuân nằm lọt thỏm giữa cánh đồng thôn Văn Vận, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Được xây dựng từ 10 năm trước, đến nay, ngôi nhà vẫn tuềnh toàng, chưa tô trét và im ỉm đóng cửa cài then.
Trong ngôi nhà ấy, người mẹ gầy nhẳng, nằm co quắp một chỗ do tai nạn lao động; người bà ở "tuổi của trời" nên sức nặng tuổi tác khiến tai lãng, chân run. Bao năm nay, gia đình Xuân thuộc diện hộ nghèo nhất, nhì trong xóm. Mà không nghèo sao được khi nhà có đến 6 chị em đang tuổi học hành, mẹ thì đau, bà lại yếu; một mình cha Xuân phải mưu sinh đủ nghề để lo cho tất cả.
Hằng ngày, Lê Trường Xuân thường trò chuyện và chăm sóc người mẹ bị liệt nằm một chỗ
Hôm tôi tìm đến nhà Xuân, trời đã xế chiều. Tiếng bìm bịp hòa trong ánh nắng yếu ớt cuối ngày càng làm không khí ngôi nhà thêm buồn bã. Bỏ dở việc giặt giũ, Xuân tiếp tôi ngay bậu cửa. Em cũng vừa biết điểm thi THPT của mình được vài hôm. Với tổng điểm 3 môn khối A là 27.7, em hy vọng sẽ có cơ hội đỗ vào ngành dược Trường ĐH Y Dược Huế theo nguyện vọng, mơ ước của mình.
Xuân dáng người nhỏ nhắn, khá rụt rè và e ngại khi đề cập chuyện học, điểm thi của bản thân. Em kể khi thi môn toán và lý, do hơi run nên làm bài không tốt, còn môn hóa em làm xong sau 45 phút với số điểm tuyệt đối.
Trong 12 năm học, Xuân đều đạt danh hiệu học sinh giỏi nhưng cậu học trò này cho rằng mình chỉ học "tàm tạm". "Ba em hay nói rằng kiến thức rộng lớn vô cùng nên mình phải học từng ngày cho đến cuối đời, đừng bao giờ nhận là giỏi mà sinh ra thỏa mãn, tự cao. Ba em luôn dặn phải học thêm phần của ba nữa bởi thời ba em thiệt thòi nên không học được…" - Xuân tâm sự.
So với các bạn cùng trang lứa, Lê Trường Xuân chịu khá nhiều thiệt thòi. Là con trai nhưng Xuân rất rành việc dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ. Cũng không có gì lạ bởi mẹ em đau nằm liệt giường 2 năm nay, 2 chị đầu đi học đại học ở xa, 3 đứa em sau còn nhỏ. Với Xuân, đó là việc khiến em vui, thoải mái sau những giờ học tập căng thẳng.
Người cha "chấp nhận"
Gần tối, ông Lê Viết Tính, cha của Xuân, đi làm về. Sau một ngày lao động, áo quần ông bám đầy bụi bẩn, đầu 10 ngón tay ố đen. Người cha kham khổ, người đàn ông trụ cột của gia đình này luôn nhắc đến hai từ "chấp nhận" trong suốt buổi trò chuyện với tôi. "Ừ, để con cái có cái chữ, mình phải chấp nhận đi sớm về hôm thôi" - ông bộc bạch.
Ông Tính làm nghề thợ mộc đã mấy chục năm nay. Hai năm trước, lúc vợ chưa gặp nạn, mỗi tháng, ông làm được 27 ngày công. Để kiếm tiền nuôi cả nhà, có khi ông xa gia đình đến vài ba tháng, đi làm ở các huyện khác trong tỉnh. Ngày đó, dù cần cù, chịu khó nhưng tiền công làm thuê của vợ chồng ông Tính chỉ vừa đủ nuôi mẹ già và các con học hành.
Ông Lê Viết Tính, cha của Xuân, làm đủ thứ việc để lo cho cả nhà
"Đó là thời tui làm được nhiều ngày công nhất. Còn bây giờ, vợ tui gặp nạn nằm một chỗ, vài tuần lại đi viện cấp cứu một lần, tui phải nghỉ làm để đưa bà ấy đi. Giờ mỗi tháng làm nhiều lắm chỉ được 20 ngày công, thu nhập ít hơn nhưng phải chấp nhận chứ biết làm sao..." - ông Tính thổ lộ.
Nhiều lúc túng thiếu, tiền vay mượn người khác đến hạn chưa trả được, ông Tính thường bị xỉa xói, nói nặng lời. Những lúc như thế, ông thường kéo người đến đòi nợ ra ngoài ngõ để "chịu trận" một mình "kẻo vợ con nghe thấy lại buồn tủi".
Để chữa bệnh cho vợ và lo cho 6 người con học hành, gia đình đã vay mượn ngân hàng, lối xóm với số tiền gần 150 triệu đồng. Hoàn cảnh khó khăn nên có lúc, một số chị em Xuân có ý định nghỉ học đi làm thuê. Ông Tính không cho, quả quyết: "Khó khăn thế này ba chấp nhận được. Các con cứ yên tâm học, đừng lo"…
Thường mỗi ngày, ông Tính dậy rất sớm để giúp vợ vệ sinh cá nhân. Lo cho vợ xong, ông ra đồng cắt cỏ cho chú bò duy nhất (do một tổ chức nhân đạo trao tặng) rồi mới ăn uống, đi làm. Vợ ốm đau nên giờ ông Tính chỉ làm loanh quanh trong xã chứ không dám đi làm xa bởi ông sợ vợ đau đột ngột, không biết gọi ai. Thường ngày, đến tối mịt, ông Tính mới trở về nhà nhưng chưa được nghỉ ngơi mà phải xắn tay làm những việc khác.
"Ngày trước làm về tối còn được nghỉ ngơi, xem được tivi, uống ly nước, nói chuyện với bạn bè. Nhưng nay, những thứ đó phải cắt hết để có thời gian lo cho gia đình, chăm cho đàn lợn, con bò. Nhà còn mỗi tui là trụ cột nên phải chấp nhận chịu khó" - ông Tính nói.
Dù vậy, ông Tính vẫn cam đoan dù có khó khăn đến mấy, gia đình cũng chấp nhận vay mượn, làm lụng để con cái học hành đến nơi đến chốn, để tương lai không phải cực như thời bố mẹ chúng.
Tiếp lửa hiếu học
Trong 3 năm học THPT, Lê Trường Xuân đã được thầy giáo chủ nhiệm (dạy môn hóa) và 2 giáo viên toán, lý dạy miễn phí ngoài giờ liên tục. "Hoàn cảnh Xuân đặc biệt khó khăn nhưng em rất hiếu học nên chúng tôi luôn quan tâm, kèm cặp. Tôi mong rằng mình sẽ tiếp lửa và chia sẻ khó khăn với Xuân" - thầy Nguyễn Minh Tâm, chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THPT Thị xã Quảng Trị, cho biết.
Kỳ tới: Rạng danh trường làng
Bình luận (0)