Không có dân thì không có nước. Không có dân cũng không có Đảng. Có dân thì có tất cả. Đó là chuyện muôn đời của bất kỳ quốc gia nào. Và sau ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Trong quá trình vận hành bộ máy nhà nước, Người cũng nhìn ra một số người “miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng”. 45 năm nhìn lại, kể từ ngày Bác đi xa, số người “làm trái với lợi ích của quần chúng” cũng không ít, có cả “những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp” - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trong Nghị quyết trung ương 4.
Trong Di chúc, Bác viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh… Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Lời dạy đó đã thực hiện được đến đâu? Rõ ràng, hiện nay, một bộ phận người dân đã có cuộc sống tốt hơn song đa phần vẫn còn khổ, nhất là công nhân nhà máy, xí nghiệp; nông dân; cư dân ở vùng sâu, vùng xa…
Mấy ngày gần đây, báo chí phản ánh đồng bào vùng sâu, vùng xa ở nhiều địa phương phải… “Treo tính mạng trên cầu treo, dây cáp”; người dân ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phải “Thấp thỏm trên kho hóa chất” và nơi đây đã có nhiều làng ung thư; nào là “Cán bộ xã vòi tiền đền bù của dân”, nào là “24 năm mang phận bị can” làm tan nát cả gia đình; rồi “Chưa có quy hoạch mà dọa giải tỏa nhà”; nông dân miệt Cà Mau thì bị bán giống lúa dỏm, để sau một vụ mùa với bao hy vọng trở thành thất vọng, bởi “Lúa vàng cho… lúa lép”, rơi vào cảnh trắng tay...
Những dòng trong ngoặc kép là tiêu đề các bài báo gần đây. Qua đó, sự cơ cực của người dân được đặc tả khá rõ, trong khi đã là cán bộ thì hầu như không ai nghèo!
Hôm 20-8, ông Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo trung ương - phát biểu tại hội nghị toàn quốc hướng dẫn tổ chức kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đến bây giờ, câu hỏi đặt ra là vì sao nhân dân lại giảm lòng tin, trong khi ai cũng thấy là tình hình kinh tế, đời sống của nước nhà giờ đã khá hơn nhiều năm trước. Điều này chắc chắn không phải là tại nhân dân!”. Phải rồi, “chắc chắn không phải là tại nhân dân”! Thế nên, bây giờ nhìn lại để hiểu thêm nội dung, giá trị và ý nghĩa Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và theo ý kiến của ông Bùi Thế Đức, Phó Ban Tuyên giáo trung ương, phát biểu tại hội nghị là “phải tiến hành kiểm điểm, đánh giá 45 năm thực hiện Di chúc của Người, gắn với kiểm điểm việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhân dân đang trông chờ và đặt rất nhiều niềm tin, hy vọng vào đợt sinh hoạt chính trị lần này vì từ thực tế cuộc sống, thực tế cách mạng Việt Nam, Người đã tin tưởng ghi vào Di chúc: “Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.
Bình luận (0)