Chúng tôi đến Củ Chi (TP HCM) vào những ngày cuối tháng 4. Dọc các trục đường chính dẫn vào trung tâm huyện, cờ bay phấp phới chào mừng sự kiện trọng đại 41 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2016). “Củ Chi đã thực sự thay da đổi thịt. Những bàn tay một thời chỉ quen cầm súng, cầm đao đánh giặc, nay bằng khối óc đã tạo nên những kỳ tích mới trong cuộc chiến chống đói nghèo để xây dựng một Củ Chi phát triển từng ngày” - ông Khâu Sĩ Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi, tự hào.
Anh hùng thời bình
Nhớ lại năm tháng oai hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những ký ức một thời như sống lại trong ông Nam. Ông kể: “Mặt đất Củ Chi không còn nơi nào lành lặn, chỗ nào cũng loang lổ hố bom; hàng chục ngàn ngôi nhà cháy sập, hàng vạn hecta ruộng vườn bị cày xới. Cả một vùng rộng lớn từ đây xuống tận Hóc Môn không còn một cây cỏ nào sống nổi. Thế nên, cả vùng này được gọi là vùng trắng”.
Theo ông Nam, hậu quả nặng nề của chiến tranh đã khiến kinh tế thuần nông của Củ Chi càng trở nên lạc hậu. Phần lớn ruộng chỉ canh tác được một vụ lúa, năng suất lại thấp. “Thế mà vùng đất một thời gạt vỏ đạn, mảnh bom mới thấy đất, hôm nay đã bát ngát trong màu xanh mơn mởn của những vườn rau, vườn hoa. Củ Chi không những anh dũng trong thời chiến tranh mà còn anh hùng, năng động trong lao động, sản xuất khi là huyện đầu tiên của TP HCM được Thủ tướng Chính phủ công bố quyết định đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 9-2015” - ông phấn khởi.
Bà Phạm Thị Kính, Việt kiều Pháp, khi tham gia hành trình “Xuân quê hương” đã xúc động, chia sẻ: “Củ Chi bây giờ khác xưa nhiều quá! Hệ thống giao thông nông thôn hầu hết đã được bê tông hóa. Những cánh đồng hoang hóa nay là những khu dân cư đông đúc và sầm uất. Sự thay đổi này khiến cho những người xa quê như tôi thực sự thấy rất hãnh diện”.
Ý chí, quyết tâm của người dân “đất thép” đã biến vùng bom đạn, hoang tàn sau chiến tranh này thành mảnh đất trù phú, bộ mặt nông thôn được đô thị hóa hoàn toàn, đẩy lùi được đói nghèo. “Giờ thì khác xưa rồi, nhà nào tệ nhất cũng là tường xây. Cuộc sống người dân đã thay đổi căn bản, khấm khá lên, trẻ em được học hành đàng hoàng” - bà Nguyễn Thị Rảnh (ngụ ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng) hãnh diện.
Hộ nghèo giảm, thu nhập tăng
Là người đứng đầu chính quyền Củ Chi, có lẽ ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện, vui nhất khi huyện cán đích chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tiên ở TP HCM. Ông Phú cho rằng xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng đường, trường, trạm mà mục tiêu chính là phải làm cho đời sống kinh tế của người dân giàu có hơn, đời sống văn hóa lành mạnh bên cạnh việc giữ gìn bản sắc dân tộc.
“Cơ sở hạ tầng hiện đại chính là nền tảng vững chắc để quá trình chuyển đổi sản xuất được sâu và hiệu quả. Việc tập trung thực hiện chuyển đổi ngành nghề, phương thức sản xuất và cây trồng, vật nuôi đã góp phần nâng cao đời sống của người dân. Từ đó, Củ Chi từng bước hoàn thành tiêu chí khó nhất là thu nhập” - ông Phú đúc kết.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng nông thôn mới huyện Củ Chi, trước khi xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người ở địa phương này chỉ đạt 16-21 triệu đồng/người/năm, nay tăng lên 40 triệu đồng. Thành công nổi bật của Củ Chi là gắn xây dựng nông thôn mới với chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Bằng chứng là trong những năm qua, huyện đã giảm đáng kể diện tích trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả, chuyển sang trồng hoa lan và phát triển thủy sản, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân đất canh tác từ 123 triệu đồng/ha/năm vào năm 2009 lên 271 triệu đồng vào năm 2015. Cá biệt, nhiều hộ bỏ lúa chuyển sang trồng hoa lan đã có thu nhập từ 700 triệu đồng/ha/năm trở lên, trồng rau an toàn khoảng 480 triệu đồng/ha.
Song song đó, tỉ lệ hộ nghèo ở Củ Chi cũng giảm đáng kể. Trước khi xây dựng đề án nông thôn mới thì tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm là hơn 8%, đến nay chỉ còn 0,89% theo tiêu chí 16 triệu đồng/người/năm...
Kỳ tới: Làm giàu mảnh đất cha ông
Không ngủ quên vì nông thôn mới
Đánh giá cao nỗ lực của Củ Chi khi xây dựng thành công huyện nông thôn mới nhưng theo Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, nếu huyện tự hài lòng với kết quả đó thì sẽ hết động lực để phấn đấu.
“Nếu cứ ôm khư khư danh hiệu, sợ mất danh hiệu mà không thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người dân thì cũng không có tác dụng. Củ Chi hãy quên chuyện thành tích vì danh hiệu nông thôn mới không quan trọng bằng việc người dân nhận được điều gì” - ông Đinh La Thăng nhấn mạnh. Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu Củ Chi phải xác định căn cứ từng đặc thù thuận lợi, khó khăn, huyện cần tập trung làm gì để từ đó giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.
Lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết xây dựng nông thôn là một quá trình lâu dài, không bao giờ nên thỏa mãn với kết quả đạt được. Đây mới chỉ là kết quả bước đầu, tạo tiền đề vật chất cho việc xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, xứng tầm một huyện ven đô. Củ Chi coi quá trình xây dựng nông thôn mới là một tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn; phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là thu nhập năm sau tăng hơn năm trước.
Bình luận (0)