Trên thế giới hiện có hơn 3.500 đặc khu kinh tế tại 135 quốc gia trong khi Việt Nam vẫn đang bàn về chủ trương thành lập đặc khu kinh tế với hy vọng là người “đi sau, về trước”.
Nhiều tỉnh muốn bon chen
Hội nghị Trung ương 8 - khóa XI đã có chủ trương thành lập 3 đặc khu kinh tế ở 3 miền: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), dự thảo đề án phát triển 2 đặc khu kinh tế Vân Đồn và Bắc Vân Phong đã trình Chính phủ phê duyệt, riêng đề án đặc khu Phú Quốc vẫn đang trong quá trình hoàn tất.
Không phải đến nay Việt Nam mới đặt vấn đề xây dựng các đặc khu kinh tế. Từ năm 1979, đặc khu kinh tế Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập với mục tiêu chính là phát triển công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí nhưng đến năm 1991, đặc khu kinh tế này chấm dứt hoạt động để thành lập địa danh hành chính mới là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do mô hình đặc khu không đem lại lợi ích khác biệt. Sau đó, Việt Nam đẩy mạnh xây dựng các khu kinh tế ven biển với 18 khu được quy hoạch. Trong đó, 15 khu đã được thành lập trên tổng diện tích hơn 54.000 ha.
Đáng lưu ý là khi chủ trương hình thành đặc khu kinh tế được tái khởi động, nhiều địa phương lại có xu hướng muốn tham gia để tạo cú hích phát triển. Quảng Ninh trước đây từng đề xuất thành lập 2 đặc khu kinh tế ở Vân Đồn và Móng Cái. Mới nhất là UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đang có nguyện vọng được thành lập mô hình đặc khu kinh tế Dung Quất trên cơ sở khu kinh tế Dung Quất.
Nên thí điểm trước
Theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, đến nay Việt Nam vẫn chưa có một đặc khu kinh tế đúng nghĩa, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và rất ít dự án có công nghệ hiện đại. “Việt Nam là 1 trong 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển nên việc xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế là chủ trương nhất quán của Đảng và nhà nước Việt Nam” - ông Huệ khẳng định.
Tuy nhiên, các thông tin chia sẻ tại một hội thảo khoa học về đặc khu kinh tế được tổ chức tại Quảng Ninh gần đây cho thấy có đến gần một nửa đặc khu kinh tế trên thế giới thất bại. Theo ông Andrew Grant, Giám đốc McKinsey Singapore, yếu tố quan trọng đối với một đặc khu kinh tế nằm ở chính sách và thể chế. TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng mấu chốt là phải có cơ chế đặc biệt cho đặc khu kinh tế. Muốn “đi sau, về trước”, Việt Nam phải đột phá thể chế: Về kinh tế phải bảo đảm tính tự do cạnh tranh; về hành chính phải có tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Quan trọng nhất là phải thể chế hóa bộ máy quản lý hành chính, tạo điều kiện tối đa để thuận lợi sản xuất - kinh doanh.
Theo ông Thành, trên thế giới có 2 xu hướng thành lập đặc khu kinh tế. Một là, lan tỏa công nghệ, kỹ năng kéo theo sự thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Hai là, phát triển đặc khu kinh tế thành nơi giải trí gắn với du lịch, thương mại, casino để tăng thu. “Mỗi xu hướng đều có hai mặt, phải cân nhắc xem khi lập ra, được có nhiều hơn mất hay không. Muốn vậy, mục đích lập đặc khu kinh tế cần phải rõ và phải có cơ chế để đặc khu này phát triển được như mục đích đề ra” - TS Thành lưu ý. Ông Thành cho rằng chỉ nên thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc và Vân Đồn vì đây có quy mô đủ lớn và vị trí địa lý thuận lợi.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, chỉ nên thí điểm xây dựng đặc khu kinh tế ở Phú Quốc, vài chục năm sau tổng kết mô hình rồi mới tính chuyện mở rộng. Nếu cùng lúc mở ra ở nhiều nơi, ở cả các khu vực không cách biệt sẽ khó kiểm soát. Cũng cần chú ý là trong khu vực, đã có nhiều đặc khu kinh tế rất thịnh vượng, Việt Nam mở đặc khu buộc phải có những thuận lợi và ưu đãi hơn để thu hút nhà đầu tư.
“Đặc khu kinh tế và các khu kinh tế mở hiện có ở Việt Nam không thu hút được nhà đầu tư vì không có cơ chế đặc biệt. Chỉ có một số quy định được phân cấp cao hơn so với khu công nghiệp. Nếu không rút kinh nghiệm, rất khó thành công” - TS Lê Đăng Doanh.
Bình luận (0)