xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đau đáu với Hoàng Sa

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Biển tháng 5 dịu êm nhưng đoàn khách ra thăm Trường Sa không ai có thể yên lòng. Quân và dân quần đảo Trường Sa cũng vậy, mọi người luôn ngóng chờ tin tức từ vùng biển Hoàng Sa - nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép

Chiếc tàu HQ561 của Lữ đoàn 411, Vùng 4 Hải quân hú một hồi còi dài, từ biệt cảng Cát Lái (TP HCM) rẽ sóng đưa chúng tôi ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa thân yêu trong những ngày tháng 5 đáng nhớ. Gió êm, sóng nhè nhẹ. Hơn 230 người trong đoàn đến từ nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị… khác nhau và hầu hết đều mới lần đầu được ra thăm Trường Sa.

Biển chưa bao giờ lặng sóng...

HQ561 là tàu quân y hiện đại của lực lượng Hải quân Việt Nam. Tàu khang trang đến nỗi một anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi phải thốt lên xuýt xoa: “Cứ như tàu du lịch 5 sao ấy!”.

Đêm trên biển Đông, trăng sáng soi xuống mặt nước lung linh như dát vàng, dát ngọc. Biển tháng 5 dịu êm nhưng không ai trong chúng tôi có thể yên lòng.

Ra Trường Sa nhưng lòng chúng tôi không thôi hướng về quần đảo Hoàng Sa. Trên suốt hành trình từ cảng Cát Lái ra Trường Sa, chuyện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như tinh thần yêu nước của người dân khắp nơi dấy lên trong những ngày qua luôn là chủ đề nóng trên tàu.

Hải quân và cảnh sát biển phối hợp tuần tra trên quần đảo Trường Sa
Hải quân và cảnh sát biển phối hợp tuần tra trên quần đảo Trường Sa

Việc giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển chủ quyền của nước ta cũng luôn được nhắc tới từ trong phòng ngủ trên tàu cho đến khi chúng tôi ngóng chờ và chăm chú theo dõi tin tức qua bản tin thời sự lúc 19 giờ hằng ngày qua chiếc tivi màn hình phẳng 32 inch. Rồi bên những chén trà trên boong hay khi dạo quanh lan can mạn tàu ngắm trăng, chúng tôi cũng không ngừng bàn thảo về sự ngang ngược xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, về lòng yêu nước của mỗi con dân đất Việt trong những ngày này.

Vùng biển thuộc chủ quyền thiêng liêng của chúng ta chưa bao giờ lặng sóng bởi những toan tính, mưu đồ sâu xa của các thế lực bên ngoài.

Ông Phạm Ngọc Chỉnh, cựu học viên hải quân ở Baku - Liên Xô trước đây, cho biết trong suốt 39 năm binh nghiệp, đây là lần thứ 3 ông ra Trường Sa. Tuy nhiên, mỗi khi đứng trước cột mốc chủ quyền hay đứng chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn, trong tim ông vẫn luôn trào dâng niềm tự hào, xúc động. “Khi lời Quốc ca cất lên, tôi thấy rất tự hào và tin tưởng vào cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên đảo Trường Sa. Họ đang thay mặt cho cả dân tộc đương đầu nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển đảo” - ông Chỉnh bày tỏ.

Trong những ngày cựu chiến binh Trần Thanh Phê (tỉnh Nam Định), người có gần 30 năm gắn bó với lực lượng hải quân, đi thăm huyện đảo Trường Sa thì con trai ông - trung úy cảnh sát biển Trần Thanh Sơn - đang cùng các đồng đội thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan. “Con trai tôi đi từ trước Tết đến giờ chưa về thăm nhà” - ông Phê tâm sự. Theo ông, chủ quyền biển đảo thì­ bằng mọi cách ta phải giữ cho được nhưng cần theo biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Nhiều người muốn biết về tâm trạng của người cha khi có con trai đang ở điểm nóng bảo vệ chủ quyền đất nước. Ông Phê bảo rằng ông từng là một người lính hải quân và cũng đã trải qua chiến trận nên rất thấu hiểu. “Tôi chỉ mong cháu luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình khi được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó, dẫu có gian khổ đến đâu, thậm chí hy sinh, cũng phải bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của đất nước” - ông Phê khẳng định.

Gửi gắm niềm tin yêu

Đảo Trường Sa Lớn đón chúng tôi trong một ngày nắng đẹp hanh vàng. Ngư dân và những người lính hải quân mà chúng tôi gặp trên đảo Trường Sa Lớn quả quyết rằng dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình nhưng sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, không bao giờ lùi bước. Dù có phải hy sinh, chúng ta cũng quyết bảo vệ từng tấc đất, từng mét nước chủ quyền của cha ông.

Anh Tô Hoài quê Nghệ An, từng là một người lính hải quân tại Trường Sa. Sau khi xuất ngũ trở về đất liền, anh lập gia đình với một người con gái xinh đẹp quê Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, anh Hoài cùng vợ con lại tiếp tục an cư lạc nghiệp ở Trường Sa, bám biển và trở thành công dân trên đảo. Anh tâm sự: “Không ngày nào tôi và gia đình không theo dõi thông tin về giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển nước ta. Từ Trường Sa, chúng tôi luôn đau đáu hướng về Hoàng Sa”.

Các cựu binh hải quân thắp hương mộ liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn
Các cựu binh hải quân thắp hương mộ liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn

“Dân tộc Việt Nam đã trải qua bao cuộc đấu tranh mới giành được độc lập, tự do. Vì vậy, nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình và đầy tấm lòng bao dung. Những ngày này, khi cả nước dấy lên lòng yêu nước thì công dân Trường Sa cũng không kém phần sôi sục. Nhà mình đang ở mà có người ngang nhiên vào quậy phá và chiếm giữ, thử hỏi ai mà chịu được? Vì vậy, người dân Việt Nam sẽ quyết không để bất cứ ai xâm phạm chủ quyền của mình. Những ngư dân và các lực lượng đang tham gia bảo vệ chủ quyền ở khu vực giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm trái phép cứ vững tâm, bởi phía sau các bạn còn có chúng tôi cũng như cả nước” - anh Hoài bộc bạch.

Anh Nguyễn Đình Hưng, cũng là một ngư dân sinh sống trên đảo Trường Sa Lớn, tỏ ra rất bất bình với thái độ và hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc. “Là những ngư dân Trường Sa, chúng tôi cũng ngày đêm đóng góp một phần nhỏ bé để tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước. Chúng tôi xin gửi gắm niềm tin yêu, mong các anh cảnh sát biển, kiểm ngư và những người bạn ngư dân hãy vững lòng, luôn tỉnh táo nhằm đấu tranh hiệu quả để bảo vệ chủ quyền. Những ngư dân chúng tôi sống bám biển, chết cũng nguyện ở trên mảnh đất và vùng biển này để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng” - anh Hưng mạnh mẽ. 

Sẵn sàng khi Tổ quốc cần

Thuyền trưởng tàu HQ561 đưa chúng tôi ra Trường Sa là một sĩ quan trẻ, đại úy Nguyễn Văn Cường. Quê đại úy Cường ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; vợ là cô giáo mầm non. Họ đã có 2 con: 1 trai, 1 gái. Chia sẻ về những cảm xúc khi cả nước đang dâng trào tinh thần yêu nước, đại úy Cường cho biết không riêng gì những người lính mới thấu hiểu công việc của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư cũng như ngư dân phải đương đầu nơi đầu sóng, ngọn gió, đấu tranh nơi điểm nóng để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Song với riêng anh, điều đó mang đến một cảm xúc rất khác.

 

Buổi chào cờ ở Trường Sa luôn mang đến những cảm xúc đặc biệt

Buổi chào cờ ở Trường Sa luôn mang đến những cảm xúc đặc biệt

 

“Bảo vệ biển đảo Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó. Khi Tổ quốc cần, là người lính, chúng tôi luôn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền. Không chỉ vì tôi là chỉ huy mới nói vậy mà tất cả các cán bộ, chiến sĩ trên tàu cũng đều có một quyết tâm và ý chí như thế” - đại úy Cường khẳng định.

Thuyền trưởng tàu HQ561 cũng gửi gắm tình cảm đến bà con ngư dân đang ngày đêm bám biển ở quần đảo Hoàng Sa: “Các ngư dân hãy yên tâm đánh bắt, khẳng định chủ quyền của đất nước. Bên cạnh bà con luôn có các lực lượng chấp pháp bảo vệ”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo