Trong khi ngân sách chưa đủ lực để bao cấp toàn bộ việc học của học sinh phổ thông thì việc hằng năm phụ huynh nộp thêm một khoản tiền là điều đương nhiên. Nộp theo quy định, theo nghị quyết của HĐND các cấp thì đã rõ nhưng thực tế, phụ huynh còn phải nộp nhiều khoản dưới rất nhiều danh nghĩa nên năm học nào cũng gây nhiều bức xúc.
Nhiều hiệu trưởng thừa nhận phần thu từ nguồn huy động thông qua hội phụ huynh mới là “nguồn sống” của trường. Bởi lẽ, hầu hết các trường đều không có nguồn thu riêng nào để trang trải những khoản như phần thưởng cho học sinh, giáo viên; thăm nom cán bộ, giáo viên khi đau ốm; chi phí tiếp khách của ban giám hiệu. Tất cả những khoản này đều nhờ vào các nguồn thu ngoài quy định mà không gì bằng là thu dưới danh nghĩa của hội phụ huynh. Cách để ngụy biện khi cần lạm thu là “do phụ huynh tự nguyện ủng hộ”, trong khi phụ huynh có thực sự tự nguyện hay không thì khó biết thực hư.
Trước năm học mới nào, các địa phương cũng ban hành quy định về những khoản thu đối với học sinh các cấp, các vùng cụ thể và nghiêm cấm việc thu thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Chẳng hạn năm nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế quy định đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện, thu quỹ học sinh, phụ huynh..., các trường phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện, công khai và không được ra văn bản bắt buộc. Tỉnh Quảng Bình thì quy định chi tiết hơn trong việc cấm thu các khoản như tiền vệ sinh môi trường, chăm sóc cây cảnh, vệ sinh lớp học, tiền điện - nước sinh hoạt chung, mua vở, logo hình ảnh nhà trường, tiền công phụ huynh đóng góp thay lao động của học sinh; không thu hộ tiền mua đồng phục cho học sinh. Các loại quỹ đoàn, quỹ đội, quỹ đại diện hội phụ huynh học sinh, hội phí chữ thập đỏ do các trường chỉ đạo đoàn thể vận động quyên góp.
Ở Hà Nội, rút kinh nghiệm năm ngoái có trường bắt học sinh may đồng phục với giá bằng cả một tạ thóc, năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu các trường lựa chọn những mẫu đồng phục phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương, được sự đồng thuận của phụ huynh và không nhất thiết phải may mới.
Quy định là thế nhưng thực tế lại khác. Đơn cử ở tỉnh Thanh Hóa, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thu tiền đối với học sinh thì hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc đã “nhanh tay” tạm thu nhiều khoản trái quy định. Nếu không có sự phản ứng từ phụ huynh học sinh thì chắc gì Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện được hành vi của vị hiệu trưởng này?
Lạm thu vốn là chuyện tràn lan trong môi trường giáo dục phổ thông. Bởi vậy, ngoài những chủ trương mới về việc giảm áp lực cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục thì ngành GD-ĐT cũng như chính quyền các địa phương cần quan tâm đến các giải pháp ngăn chặn lạm thu để phụ huynh không còn phải kêu ca.
Bình luận (0)