Công an TP Biên Hòa - Đồng Nai bắt quả tang một vụ đổ trộm rác thải tại xã Hóa An, đưa xe về trụ sở giải quyết
Khu vực thường bị đổ trộm chất thải nguy hại là những mỏ đá đã khai thác hiện bỏ hoang, những khu đất không người ở thuộc 2 xã Hóa An và Tân Hạnh - TP Biên Hòa.
Bắt cóc bỏ dĩa
Tìm đến hiện trường, chúng tôi chứng kiến tại xã Hóa An, những mỏ đá bỏ không sâu hàng chục mét, hai bên mép tràn ngập các loại rác bốc mùi xú uế. Mỗi khi có gió, rác bay tung tóe trắng xóa cả một vùng. Tại xã Tân Hạnh, ở những bãi đất trống rác cũng chất đống như núi, bốc mùi nồng nặc.
Theo người dân, những xe đổ trộm rác xuất hiện tại đây mỗi ngày 3-4 lần, vào lúc trời chập choạng tối hoặc 2-3 giờ khuya, thậm chí có lúc họ ngang nhiên đem rác đến đổ cả vào ban ngày. Sau khi đổ trộm rác, họ bỏ lại một mồi lửa khiến khói bụi bay âm ỉ mấy ngày trời.
“Hôi thối lắm, tôi ở cách khu vực này hơn 1 km nhưng những khi gió lên, mùi hóa chất thốc thẳng vào nhà làm xây xẩm cả mặt mày. Những người sống quanh đây ai cũng ngạt mũi và ho, cứ thế này chắc tôi phải bán nhà để đi nơi khác ở…” - một người dân bức xúc nói. Nhiều người khác tỏ ra lo ngại nếu không có biện pháp giải quyết dứt điểm, những “núi rác” này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạch nước ngầm, đe dọa cuộc sống của người dân trong vùng.
Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, lực lượng công an địa phương đã phục bắt một số vụ đổ trộm rác và xử phạt hành chính nặng nhưng tình trạng này vẫn không hề thuyên giảm. Gần đây nhất, Vũ Xuân Trường (31 tuổi, ngụ Bình Dương) và Lã Chí Tiệp (ngụ Ninh Bình) khi bị phát hiện đổ trộm rác đã khai nhận làm công việc đổ rác thuê cho một người ở thị xã Dĩ An với giá 800.000 đồng/xe.
Cả hai làm công việc này từ nhiều tháng nay, đã nhiều lần đi đổ trộm rác. Trước đó, trong vụ bắt quả tang đổ trộm rác xuống địa bàn xã Tân Hạnh, Lê Văn Thụ (30 tuổi) khai nhận thường xuyên lái xe đi đổ rác thuê cho một người tên Nguyễn Văn Hữu, chủ một vựa phế liệu ở thị xã Dĩ An - Bình Dương.
“Chúng tôi đã bắt quả tang, xử phạt hành chính liên tục nhiều vụ từ 750.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/xe nhưng rồi vẫn cứ như… bắt cóc bỏ dĩa” - một cán bộ Công an TP Biên Hòa nói.
Những kẻ giấu mặt
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đằng sau những vụ đổ trộm rác thải công nghiệp này là những “ông chủ rác” ở tỉnh Bình Dương. Các KCN thuộc Bình Dương hằng ngày cho ra một lượng chất thải rất lớn nhưng vấn đề xử lý không đáp ứng được.
Bên cạnh đó, nhiều đầu nậu thu gom, xử lý, buôn bán phế liệu ở khu vực lân cận quen làm ăn gian dối, “ăn xổi ở thì” nên tìm cách đổ rác sang vùng giáp ranh để giảm chi phí. Người dân 2 xã Tân Hạnh và Hóa An cho hay ít nhất có 2 “đường dây” đổ trộm rác. “Đường dây” thứ nhất của một người tên là Hùng, chuyên thu gom, xử lý các loại rác, phế liệu tại KCN Sóng Thần, thị xã Dĩ An.
“Đường dây” thứ hai từ một công ty có trụ sở tại đường số 11, KCN Mỹ Phước - Bình Dương. Theo người dân, họ biết những xe chở rác này đến từ đâu nhưng “không thể làm gì được” nên chỉ biết tìm cách rào dây thép gai ở khu vực bị đổ rác hoặc đào rãnh trên đường nhằm ngăn chặn. “Tuy nhiên, rào dây thép gai thì bị họ phá đi, đào rãnh thì các xe khác cũng không qua lại làm ăn được nên thật nan giải” - ông Phạm Công Uẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa An, nói.
Giáp ranh nên khó xử lý (?!)
UBND TP Biên Hòa vừa tổ chức một cuộc họp với các ban, ngành nhằm tìm biện pháp xử lý một cách rốt ráo tình trạng đổ trộm rác. Ông Trịnh Tuấn Liêm, quyền Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, nói địa phương đang tìm biện pháp căn cơ, lâu dài để xử lý nhưng do diễn ra ở vùng giáp ranh, từ tỉnh này sang tỉnh khác nên khó khăn trong việc giải quyết. Còn ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Bình Dương để giải quyết tận gốc nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. |
Bình luận (0)