Sau nhiều lần trì hoãn, HĐND TP HCM đã thông qua tờ trình về tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô trên địa bàn TP tại kỳ họp thứ 17 (kỳ họp bất thường) vào sáng 30-12. Việc thu phí được thực hiện từ ngày 9-1-2015.
Chế tài tối đa đến 50 triệu đồng
Đối với phương thức thu mà nhiều đại biểu còn băn khoăn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho biết giao UBND cấp xã, phường, thị trấn thực hiện. “Hiện nay, UBND xã, phường, thị trấn đang được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo địa bàn quản lý nên nếu giao cho lực lượng này thu cả phí sử dụng đường bộ đối với mô tô sẽ không tăng biên chế, đồng thời có thêm nguồn thu nhập ở địa phương” - ông Tín nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, người dân có thể đến UBND xã, phường, thị trấn để nộp phí hoặc UBND xã, phường, thị trấn cử cán bộ đến nhà thu và cấp biên lai cho người nộp. Nguồn thu sẽ để lại 100% cho các quận, huyện vùng ven; còn đối với quận nội thành thì mức để lại sẽ có tỉ lệ phù hợp...
Về biện pháp chế tài đối với người vi phạm, ông Tín cho biết sẽ phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế và thời hạn nộp tiền phí, lệ phí; phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp lệ phí theo quy định. Mức phạt tối đa là 50 triệu đồng. UBND phường, xã, thị trấn sẽ là cơ quan kiểm tra việc chấp hành việc nộp phí xe máy.
Ông Tín đặc biệt lưu ý người dân không cần phải trình biên lai thu phí cho CSGT vì pháp luật không quy định người dân phải mang theo giấy tờ này khi tham gia giao thông. “Nếu CSGT yêu cầu người dân trình biên lai thu phí là vi phạm pháp luật” - ông Tín khẳng định.
Phải bảo đảm công bằng
Theo đại biểu Lâm Thiếu Quân, để việc thu phí được thực hiện hiệu quả, UBND TP cần thiết lập cơ sở dữ liệu số lượng xe máy cụ thể trên toàn thành phố và ở từng quận, huyện để thuận tiện cho việc quản lý cũng như kiểm tra việc đóng phí.
Trong khi đó, nhận định thực tế cuộc sống và luật có thể “lệch pha” nhau, đại biểu Trần Quang Thắng đề nghị UBND TP phải tổ chức sơ kết, thống kê sau 2 năm thu phí đường bộ. “Nếu kết quả lệch pha lớn là cơ hội để chúng ta điều chỉnh luật nhanh hơn. Đồng thời, mức chế tài cần cân nhắc thêm vì tôi linh cảm đối tượng vi phạm sẽ là những người thu nhập thấp” - ông Thắng đề nghị.
Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc thu phí đường bộ là cần thiết vì sẽ nâng cao trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông. “HĐND TP sẽ giám sát chặt chẽ, bảo đảm minh bạch, nguồn thu được sử dụng hợp lý và đúng quy định” - bà Tâm nhấn mạnh.
Mặt khác, vấn đề mà HĐND TP quan tâm nhất là làm sao hành thu thuận lợi cho người dân, không gây khó khăn và tạo áp lực thêm cho chính quyền cơ sở. Bà Tâm cũng nhắc nhở UBND TP phải bảo đảm công bằng vì đóng phí nghĩa là sử dụng dịch vụ nhưng sẽ có trường hợp người dân đi trên đường xấu mà vẫn đóng khoản phí giống như người đi trên đường tốt.
“Đây là vấn đề mà tôi cùng các đại biểu trong HĐND suy nghĩ rất nhiều. Trong tổng thể có cái dở, cái hay thì chúng ta chọn cái ít dở nhất để thực hiện” - bà Tâm nói. Vì vậy, bà Tâm đề nghị UBND TP trong quà trình thực hiện phải lắng nghe ý kiến người dân và đánh giá lại để khi phát sinh vấn đề gì khó, vướng mà trong thẩm quyền của TP thì tháo gỡ; còn vấn đề vượt thẩm quyền thì xin ý kiến trung ương; cần thiết nữa thì đề nghị với Quốc hội để chỉnh sửa.
Bình Dương và Thanh Hóa có chủ tịch tỉnh mới
Chiều 30-12, HĐND tỉnh Bình Dương đã tổ chức kỳ họp bất thường để bầu bổ sung các chức danh lãnh đạo chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh. Theo đó, ông Trần Văn Nam (SN 1963), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thay ông Lê Thanh Cung nghỉ hưu; ông Huỳnh Thành Long, Bí thư Thị ủy Tân Uyên, được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương, thay bà Trần Thị Kim Vân nghỉ hưu.
Sáng cùng ngày, trong kỳ họp lần thứ 12, khóa VI, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã bầu ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, giữ chức Chủ tịch HĐND; ông Nguyễn Đình Xứng (SN 1962), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
N.Phú -T.Minh
Giá đất cao nhất là 162 triệu đồng/m2
HĐND TP cũng đã thông qua tờ trình bảng giá các loại đất trên địa bàn công bố ngày 1-1-2015. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, bảng giá đất bảo đảm nằm trong khung giá đất Chính phủ quy định và Luật Đất đai năm 2013, có tính kế thừa bảng giá đất năm 2014 để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đời sống của người dân. Theo bảng giá đất năm 2015, 19 quận áp dụng khung giá của đô thị đặc biệt, từ 1,5 triệu đồng/m2 đến 162 triệu đồng/m2. Có 5 thị trấn của 5 huyện áp dụng theo khung giá từ 120.000 đồng/m2 đến 15 triệu đồng/m2. Nhóm đất nông nghiệp được giữ nguyên như năm 2014. Tính chung, mức bình quân điều chỉnh đã tăng 1,6 lần so với bảng giá đất năm 2014. Giá đất mới sẽ áp dụng từ ngày 9-1-2015. Từ ngày 9-1-2015, mức phí sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí qua cầu Phú Mỹ (nối quận 2 với quận 7) tăng 1,5 lần (nhóm xe dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt chở khách công cộng); tăng 1,35 lần (nhóm xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn); tăng 1,16 lần (xe từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn); riêng xe tải và xe chở hàng bằng container không tăng.
Bình luận (0)