Nam Định có hai chợ Viềng đều họp phiên cùng thời điểm, chợ Viềng Phủ Dầy và chợ Viềng bên kia cầu Đò Quan thuộc huyện Trực Ninh. Chợ Viềng chuyên bán đồ cũ, ai đi chợ cũng mang một món đồ cũ đi bán và mua mộït món đồ cũ của người khác về lấy may.
Chợ Viềng một năm chỉ họp một lần từ đêm mùng 7 và ngày 8 tháng giêng âm lịch. Chợ nằm cạnh Phủ Dầy, nơi thờ Bà Chúa Liễu Hạnh, một trong bốn Thánh bất tử của người Việt và nhiều đời nay nhân dân rất sùng bái vì sự linh thiêng mỗi khi đến đây cầu khấn. Chợ được họp trên một bãi đất rộng giữa làng, cả chợ là một rừng cây cảnh và các loài hoa lan, trà, xương rồng, nhài, hồng… từ mọi miền đem về đây. Phía bên kia chợ là dãy lán bán thịt bê thui. Ngoài việc đi lễ, ai đi chợ Viềng cũng phải mua 2 sản phẩm truyền thống của chợ là cây cảnh, (hoặc cây giống) và thịt bê thui. Chợ còn có các lán bán kẹo vừng, kẹo lạc, bánh dầy, bánh cuốn, phở bò là các món ăn đặc sản của Nam Định. Bánh cuốn thì địa phương nào cũng có nhưng bánh cuốn Nam Định thì ngon tuyệt, và càng tuyệt vời hơn khi ăn tại chợ Viềng. Bánh được làm bằng thứ bột gạo trắng ngần, dai, thơm mùi hành mỡ, chấm với nước mắm trong khói nghi ngút của bếp lửa và dòng người xô đẩy qua lại. Người đi chợ như được chở về khung cảnh nông thôn hàng trăm năm trước, một cảm giác thanh bình và sung túc. Chợ Viềng cũng có lán bán đồ cổ đủ loại, từ điếu bát, lọ lục bình, bát cổ, tiền cổ… Người có tiền và biết chơi có thể mua một chiếc đĩa lá sen cổ hay mâm đồng tôm rồng thời Trần, thời Lê.
Bà Nguyễn Thị Lan (Đống Đa, Hà Nội) 80 tuổi kể, từ nhiều năm nay, năm nào bà cũng và con cháu cũng đến đây du xuân và cầu may. Bà Lan bộc bạch: “Đây là một nếp tục từ lâu đời. Nhà dù có chật hẹp đến đâu đi nữa thì người đi chợ cũng phải mua một cây gì đó, cùng vài cân thịt bê để mong có thêm lộc và may mắn. Đi chợ thế này, trẻ nhỏ sẽ được trở về nông thôn, được biết đến tập tục của cha ông”.
Bình luận (0)