Đây mới chỉ là lời khai của hung thủ. Các tình tiết, thậm chí là bản chất, của vụ án có thể sẽ khác song điều đau đớn nhất mà chẳng ai mong muốn xảy đến thì không thể thay đổi: Hai người vô cớ mất mạng và hai người khác dù may mắn thoát chết nhưng sẽ đau khổ cả đời bởi bi kịch của người thân mình, gia đình mình.
Kẻ thủ ác rõ ràng đã có dự mưu rất rõ khi thủ sẵn dao đồng thời mang theo kích điện, lưới thép B40… Đối chiếu tang vật, thấy vẻ như lời khai của Tiến về ý định trộm chó là có lý nhưng chúng ta vẫn mong một động cơ khác - với mức độ xung đột và thù hằn cao hơn nhiều - mới thúc đẩy sự ra tay tàn độc của nghi phạm này, chứ chỉ vì một con chó thôi mà đổi lấy hai mạng người thì đau đớn quá, khó tin quá!
Khó tin nhưng buộc phải tin vì chuyện con chó đổi mạng người đã liên tục xảy ra vài năm nay ở nhiều địa phương. Hoặc kẻ trộm chó bị truy sát đến chết hoặc người truy bắt “cẩu tặc” bị chúng phản công mà mất mạng. Nói rộng ra, trong những trường hợp tranh đoạt vật chất kiểu như vậy, bây giờ, người ta dường như chẳng nghĩ đến sinh mạng người khác, xem nhẹ pháp luật và công lý, bất chấp hậu quả dù nhiều khi hậu quả đó thuộc về mình.
Rất nhiều người đã ca thán cuộc sống bây giờ sao mà bất an. Chiến tranh gây thiệt hại nhân mạng số lượng lớn đã đành, đằng này giữa thời bình mà tính mạng con người cũng mong manh quá sức. Địch họa, thiên tai thì khó tránh; còn tai nạn giao thông, bệnh tật và mâu thuẫn trong quan hệ xã hội đều là những mối nguy mà con người hoàn toàn có thể chế ngự được. Vậy nhưng, mỗi năm có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, hơn 70.000 người qua đời vì ung thư và số vụ án mạng gây chết người cũng lên đến vài ngàn.
Vì sao thời nay người ta dễ gây hấn, hành hung, chém giết nhau quá? Nhiều nhà chức trách, chuyên gia pháp lý, nhà nghiên cứu xã hội học đã cố đưa ra những nguyên nhân như do pháp luật không nghiêm, vì đề cao cái tôi quá mức, bởi thiếu kỹ năng sống… Thật ra, những yếu tố này thời nay đều hơn thời trước chứ, ấy vậy sao người ta đối xử với nhau tệ hơn? Chưa ai lý giải được một cách thuyết phục…
Con người hôm nay được trang bị kỹ năng mềm nhiều hơn, được thụ hưởng giáo dục nhiều hơn, được sống trong điều kiện kinh tế khá giả hơn, được điều chỉnh và bảo vệ bởi hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện nhưng chưa hẳn quan hệ giữa người và người tốt lên theo. Xã hội nào cũng có gương mặt của riêng nó, cũng có những vấn đề là thuộc tính của chính xã hội đó. Vì vậy, để cái tốt thống lĩnh, bên cạnh việc liên tục và bền bỉ đấu tranh với cái xấu, phải luôn luôn đề cao và làm cho lan tỏa sự tử tế, những con người tử tế.
Bình luận (0)