Nhiều người dân, đặc biệt là sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, xúc động mạnh vì bà đã ở Việt Nam khá lâu, trong đó có 6 năm giảng dạy tự do tại trường này. Bà Miyamoto Michiko không thể tự đi xe được vì bị tật ở chân và thường phải chống nạng. Hàng ngày, để từ nhà ở quận 7 đến trường, bà phải bắt 2 chuyến xe buýt.
Và định mệnh nghiệt ngã đã gọi tên bà vào xế chiều 30-9, tại Trạm Điều hành xe buýt Sài Gòn. Chiếc xe buýt đang tấp vào trạm trả khách được cho là không xử lý kịp khi bà ngã xuống trong lúc đi nạng qua đường đón xe buýt về nhà... Cơ quan điều tra rồi sẽ có kết luận vụ việc nhưng những người chứng kiến cho rằng chiếc xe buýt ép vào lề với tốc độ như “rượt đuổi” nên đã không thắng kịp. Vấn đề muôn thuở của xe buýt nằm ở đây, chính ở đây!
Cái chết oan uổng của cô giáo Miyamoto Michiko gợi biết bao chuyện buồn, đáng lên án do những “hung thần” gây ra đối với người đi đường, cả người dân sở tại và khách nước ngoài, bất chấp họ đã tuân thủ luật giao thông.
Người Việt Nam có vẻ như quá quen với sự chịu đựng và mất mát do tình trạng yếu kém trong tổ chức và điều hành giao thông. Nay người nước ngoài cũng bắt đầu nếm trải nỗi đau này nhưng căng thẳng hơn, bởi nhiều nạn nhân trong số họ đến từ những quốc gia có nền giao thông tiên tiến, họ quen với việc đi lại thoải mái mà không sợ “thần chết” bất ngờ gọi tên.
Nhớ lại, hồi đầu tháng 6 năm nay, trên đường đi công tác bằng xe máy, tiến sĩ khảo cổ Nishimura Masanari, 48 tuổi, thuộc Đại học Osaka, Nhật Bản, bất ngờ bị xe tải đâm vào trên Quốc lộ 5, đoạn qua huyện Gia Lâm, Hà Nội. Dù ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu, song đã muộn.
Gần hơn, vào thượng thuần tháng 9, trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP HCM, du khách Hà Lan tên Blankenstein, 46 tuổi, cũng gặp nạn khi đang băng qua đường mặc dù đã đi đúng vạch trắng dành cho người đi bộ.
Cũng trong tháng 9, tại giao lộ Lưu Trọng Lư - Huỳnh Tấn Phát ở quận 7, TP HCM, giáo viên tiếng Anh Wayne Madison, 55 tuổi, quốc tịch Mỹ, trong khi đạp xe đã bị xe tải chạy cùng chiều đâm từ phía sau. Nạn nhân tử vong tại chỗ.
Xa hơn, cách đây gần 7 năm, giáo sư Seymour Papert, 85 tuổi, nhà khoa học lừng danh công tác tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã bị một xe máy lao vào gây trọng thương khi ông đang đi bộ qua một con đường ở Hà Nội. Ông Papert sang Việt Nam dự một hội nghị quốc tế về phương pháp dạy toán bằng công nghệ thông tin...
Thật đáng quý những người bạn đến với với Việt Nam và rộng mở tấm lòng với đất nước này. Nhưng “buồn quá, sao cứ mỗi lần nghe tin có người nước ngoài chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam, cảm giác vừa hổ thẹn, vừa xót xa lại xốn xang trong tôi!” - một bạn đọc thốt lên trên mục bàn luận của Báo Người Lao Động.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu khách. Nhìn những người nước ngoài vất vả dắt díu nhau qua đường ở những con phố lớn; thấy họ bị cướp giật, đe dọa, bị tổn thương và thậm chí mất mạng sống ngay trên đất nước mình... mới thấy chúng ta còn vô tình với họ. Sự thân thiện, an toàn mà chúng ta vẫn tự hào quảng bá đâu rồi?
Bình luận (0)