Thiếu căn cơ
Hiện An Giang đang chọn thêm giải pháp dùng rọ đá làm tường chắn vì chi phí thấp, ít bảo dưỡng, thi công đơn giản và cũng không đòi hỏi thợ có tay nghề cao. Giải pháp này đã giúp An Giang có một số công trình khá bảo đảm tốt như kè Tân Châu (thị xã Tân Châu), kè Nguyễn Du (TP Long Xuyên), Quốc lộ 91 đoạn đi qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú).
Ảnh: DUY NHÂN
Tuy nhiên, thạc sĩ Trần Anh Thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, cho biết thực tế hiện nay, công tác phòng chống sạt lở còn thiếu căn cơ, xử lý sau sạt lở còn rất chung chung. Ngành tài nguyên và môi trường chỉ phụ trách quản lý tài nguyên nước và chất lượng nguồn nước, ngành GTVT lo an toàn giao thông, còn nông nghiệp chỉ lo về thủy lợi. Cho nên, khi gặp sự cố sạt lở ở đâu thì địa phương đó mới cho khảo sát, gia cố, nhà dân có nguy cơ sụp mới được bố trí di dời. Do vậy, về lâu dài, để hạn chế sạt lở khu vực này thì cần giải pháp căn cơ, chủ động hơn.
“Hiện chúng tôi đang lập đề cương dự án đo đạc, khảo sát, đề xuất giải pháp chỉnh trị dòng chảy đoạn sông Hậu qua TP Long Xuyên. Trong đó, tập trung nghiên cứu các nội dung chính như đo vẽ chi tiết hiện trạng địa hình đáy sông Hậu khu vực nghiên cứu; dự báo xoáy lở, bồi tụ bằng mô hình trường ứng suất; nghiên cứu các yếu tố thủy động lực của dòng chảy… Từ đó phân tích, tính toán các thông số thủy văn liên quan trước khi dự án được triển khai. Đồng thời, đề xuất các giải pháp chỉnh trị dòng chảy và khắc phục sạt lở. Sở sẽ tiếp tục đề xuất giải pháp chỉnh trị có công trình và phi công trình cho từng đoạn sông, tiến tới kiểm soát diễn biến lòng dẫn và sạt lở bờ sông trên địa bàn toàn tỉnh”- ông Thư nói.
Hay nhưng không đơn giản
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi khảo sát nhiều lần và nhận ra rằng mất rừng, mất bãi bồi thì dù đê có kiên cố cỡ nào cũng không thể chống chọi lại với sóng biển. Thế là công trình nghiên cứu kè ly tâm chắn sóng tạo bãi được thực hiện ngay sau đó và đã có thành công, dù chỉ là bước đầu nhưng cũng đủ để lãnh đạo tỉnh bảo vệ vững quan điểm cương quyết giữ đê cũ, không di dời vào sâu bên trong đất liền”.
Kè ly tâm chắn sóng tạo bãi được xây dựng cách bờ biển 50-100 m hướng ra biển, sử dụng những cọc bê tông ly tâm dự ứng lực cao 6 m, đóng liền kề 2 dãy cách nhau khoảng 1,5 m; phần rỗng cho đá vào, khi sóng đánh, nước sẽ chảy vào rãnh kéo theo phù sa. Lâu dần, phù sa bồi lắng tạo thành bãi. Khi có bãi thì cây mắm, cây đước sẽ mọc lên tạo thành thảm rừng ngập mặn ven biển bảo vệ đê.
Đến thời điểm này, kè ly tâm chắn sóng đã được triển khai xây dựng trên một số điểm sạt lở nghiêm trọng nhất như đê biển Tây 1.800 m, Mũi Cà Mau 667 m, Gành Hào 507 m. Ông Hoai nhận định: “Cho đến nay, làm kè theo phương pháp ly tâm chắn sóng tạo bãi là hiệu quả nhất. Hai năm thực hiện thí điểm cho thấy chẳng những đê không sạt lở mà còn tạo được bãi bồi ven biển. Cây đước, cây mắm đã bắt đầu đâm chồi vươn lên. Chúng tôi đang trình Trung ương và kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ Cà Mau triển khai xây dựng hàng loạt kè loại này thay thế toàn bộ kè cũ. Nếu thực hiện một cách đồng bộ thì đê biển không còn bị đe dọa mỗi khi đến mùa biển động”.
Theo ông Hoai, việc xây dựng kè ly tâm chắn sóng chi phí thấp hơn đến 1/4 so với kè áp mái lâu nay áp dụng, thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế không dễ do điều kiện thi công hầu hết là trên biển. Mỗi năm chỉ thi công được vài tháng vào mùa biển lặng chứ mùa mưa bão thì sà lan, cần cẩu không thể ra biển để tập kết vật tư, đóng bê tông được. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để xây dựng toàn tuyến đê biển Cà Mau bằng phương pháp này cần đến hàng chục ngàn tỉ đồng, một con số vượt quá tầm tay của tỉnh.
Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng đầu tư một lần thấy số tiền lớn song mấy chục năm nay, tỉnh đã làm kè bằng rọ đá, nghe thì tốn ít tiền nhưng vài năm lại làm một lần. Tính chung lại, số tiền còn cao gấp nhiều lần mà độ an toàn thì không cao.
Giấc mơ lấn biển
Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ đê, những người tâm huyết với mô hình kè ly tâm chắn sóng ở Cà Mau còn có cả giấc mơ lấn biển. Theo tính toán, nếu được thực hiện, tỉnh Cà Mau sẽ lấn ra biển đến hơn 20 ha đất. Sau khi làm tròn sứ mệnh tạo bãi, những cọc bê tông ấy sẽ được nhổ lên và tiếp tục cắm xa ra biển 50 m nữa, cứ thế dần dần lấn biển, tạo bãi bồi cho cây rừng sinh sôi. Được như thế thì câu chuyện vỡ đê hay “biển ngoạm” ở Cà Mau sẽ dần lùi vào dĩ vãng. |
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-9
Kỳ tới: Tốn tiền tỉ để... chắp vá
Bình luận (0)