Trước những diễn biến nghiêm trọng của sạt lở, sáng 24-5, đoàn khảo sát sạt lở của tỉnh An Giang do Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh dẫn đầu đã đến khảo sát thực tế các điểm sạt lở ở thị xã Tân Châu.
Khu vực sạt lở nguy hiểm ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang Ảnh: LONG HỒ
Theo ông Vương Bình Thạnh, hiện có khoảng 20.000 hộ bị ảnh hưởng từ 51 điểm sạt lở trên toàn tỉnh. Trong đó, 23 điểm sạt lở trong tình trạng báo động khẩn cấp có thể gây ảnh hưởng lớn. Tân Châu có 4 điểm sạt lở bức bách là Châu Phong, Long An, Tân An và Long Châu.
UBND tỉnh An Giang đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) làm chủ đầu tư 2 dự án là chỉnh trị dòng chảy và dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cho thực hiện khảo sát sớm dự án chỉnh trị dòng chảy do có tính khả thi. Khi có phương án sẽ vận động từ nguồn xã hội hóa hoặc tận dụng nguồn thu từ nạo vét cát để thực hiện.
Ông Vương Bình Thạnh cũng chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ động tranh thủ các nguồn kinh phí để nghiên cứu thực hiện phương án kè; giao các sở nghiên cứu làm đường giao thông tránh địa điểm sạt lở gắn với tuyến dân cư; thống nhất xây dựng các cụm tuyến dân cư. Riêng tại Tân Châu có 4/23 tuyến dân cư tỉnh đang đề nghị Chính phủ cấp vốn xây dựng.
Tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo khẩn Sở NN-PTNT, Sở Xây dựng và các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh và TP Cao Lãnh rà soát, tổng hợp số hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm và chuẩn bị công tác xây dựng cụm, tuyến dân cư.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, bờ biển Tây của tỉnh đã bị sạt lở khoảng 57 km. Bờ biển Đông có khoảng 48 km bị sạt lở, trong đó 24,5 km sạt lở nghiêm trọng.
Giải pháp hiệu quả mà tỉnh thực hiện thời gian qua là xây dựng kè ngầm tạo bãi kết hợp trồng rừng. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên việc xây dựng kè chủ yếu chỉ triển khai tại những khu vực thật sự cấp thiết với tổng chiều dài chỉ gần 17 km.
Hiện nay đã có hơn 5.000 m đê biển Tây bị sạt lở. Các đai rừng phòng hộ tính từ chân đê hướng ra biển chỉ còn từ 10-20 m, thậm chí nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ. Một số đoạn đê đang tiếp tục bị khoét sâu và nguy cơ sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào.
Tại tỉnh này, 4.800 hộ dân đang ở vùng có nguy cơ thiên tai cao, phải đối mặt với nguy hiểm do tỉnh gặp khó khăn về quỹ đất và nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương cho công tác bố trí dân cư. Cà Mau cần khoảng 1.400 tỉ đồng để di dời thêm gần 4.800 hộ dân.
Trước mắt, địa phương kiến nghị trung ương hỗ trợ 120 tỉ đồng thực hiện tái định cư cho khoảng 500 hộ dân sinh sống tại cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi) và cửa biển Rạch Gốc (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển).
Tại Cà Mau, tình trạng sạt lở có nguy cơ phá vỡ đê biển, ảnh hưởng đến khu dân cư ven đê với chiều dài 57 km.
Bình luận (0)