Sau khi nghiên cứu dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn” của Bộ GTVT, UBND TPHCM đã nêu một số ý kiến góp ý, trong đó có một số giải pháp tính khả thi không cao.
TPHCM đề nghị xem taxi là phương tiện vận tải hành khách công cộng thay vì là phương tiện cá nhân. Ảnh: TẤN THẠNH
Xem xét lại việc giới hạn phương tiện
TPHCM đề nghị Bộ GTVT xem lại phương án cấp hạn ngạch cho số phương tiện được phép đăng ký mới theo năm và phương án hạn chế sở hữu phương tiện theo thời gian sinh sống tại các TP lớn. Cụ thể, mỗi năm các TP lớn chỉ được đăng ký phương tiện mới ở mức có giới hạn và cá nhân không có hộ khẩu phải sinh sống ít nhất 5 năm ở TP lớn mới được đăng ký xe.
Theo TPHCM, điều này không khả thi vì người dân có thể nhờ thân nhân đăng ký xe ở các địa phương khác, sau đó mang đến các TP lớn để lưu hành. Song song đó, Bộ GTVT cũng cho rằng việc quản lý phương tiện, thực hiện sang tên chính chủ góp phần hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông. Tuy nhiên, TPHCM cho rằng biện pháp này cũng không khả thi vì người dân có thể sử dụng hình thức ủy quyền quản lý đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự.
Việc hạn chế xe cá nhân và phát triển vận tải hành khách công cộng phải được thực hiện song song. Vì vậy, TPHCM đề nghị Bộ GTVT chú trọng giải pháp đầu tư phát triển các bến bãi đậu xe nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi họ chuyển từ phương tiện cá nhân qua phương tiện công cộng, đồng thời nghiên cứu các tuyến đường ưu tiên cho xe buýt, hướng tới việc phát triển một số tuyến có làn đường dành riêng cho xe buýt.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng đề nghị Bộ GTVT giải thích rõ thế nào là phương tiện giao thông cá nhân, thế nào là phương tiện công cộng. TPHCM cũng đặt câu hỏi với Bộ GTVT về vấn đề cơ chế và nguồn lực tài chính sẽ được giải quyết như thế nào khi triển khai đề án.
Xem taxi là phương tiện công cộng
Trong đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn, Bộ GTVT đã lập ra tỉ lệ đảm nhận của các phương thức giao thông cho từng TP lớn. Theo đó, xe con, taxi được xem là phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, TPHCM lại xem taxi là phương tiện vận tải hành khách công cộng, chưa kể tỉ lệ mà Bộ GTVT lập ra không nêu rõ là của năm nào. Tỉ lệ này chắc chắn sẽ thay đổi qua các năm nên cần phải xác định rõ thời điểm.
Thêm một số liệu nữa khá lạc hậu của Bộ GTVT nằm ở bảng dự báo số lượng xe máy, xe con tăng tự nhiên tại 5 TP lớn, trong đó dự báo đến năm 2015, số lượng xe máy tại TPHCM đạt 5.298.594 chiếc, trong khi tính đến hết tháng 7-2012, số lượng xe máy trên địa bàn TPHCM đã là 5.255.772 chiếc. Số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ tăng bình quân mỗi năm của xe máy là 10%.
Vì vậy, trong 3 năm còn lại, TPHCM không thể chỉ tăng 42.822 chiếc xe máy như chênh lệch trên. TPHCM cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh lại lộ trình hạn chế xe cá nhân đến năm 2030 thay vì năm 2020 vì hệ thống hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng của TPHCM chỉ phát huy được hiệu quả vào năm 2030.
Ngoài những góp ý trên, TPHCM còn đề nghị Bộ GTVT phân tích và làm rõ các nguyên nhân đã gây ra việc gia tăng phương tiện cơ giới cá nhân trong 10 năm qua. Theo TPHCM, đây là cơ sở để đề xuất các hướng giải quyết có trọng điểm và thuyết phục hơn.
Thuế, phí đã quá cao
Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các TP lớn được Bộ GTVT lập ra áp dụng cho 5 TP: Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng với mục tiêu kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Bộ GTVT đưa ra các giải pháp để thực hiện gồm: tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng phí trước bạ, tăng phí đăng ký phương tiện, tăng phí chuyển nhượng phương tiện, thu phí môi trường, thu phí lưu hành phương tiện, phí ra vào nội đô, phí phương tiện hoạt động vào giờ cao điểm... Lộ trình thực hiện được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2012 - 2015 và từ năm 2016 - 2020.
Trước đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý về dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn”. Theo đó, hiệp hội cho rằng Bộ GTVT cần nghiên cứu kỹ các giải pháp hạn chế sở hữu phương tiện cá nhân, đặc biệt là các giải pháp về thuế, phí vì hiện nay các loại thuế, phí này đã quá cao. Cụ thể, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT đã làm cho giá ô tô dưới 10 chỗ ngồi của Việt Nam cao hơn từ 2,5 đến 3 lần giá ô tô của các nước trong khu vực; phí đăng ký phương tiện tại Hà Nội cũng đã tăng từ 2 triệu lên 20 triệu đồng. |
Bình luận (0)