Việc thay đổi này là để phù hợp với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện nay. Theo lý lẽ của Bộ GD-ĐT, Trung Quốc và Nga là 2 cường quốc, có quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại quy mô lớn với Việt Nam nên phải đào tạo sâu 2 thứ tiếng này nhằm trang bị ngoại ngữ hữu dụng cho nguồn nhân lực trong tương lai. Và nhiều lý do khác nữa…
Đành rằng ngoại ngữ là phải phù hợp với xu thế thời đại nhưng nói đi phải nói lại, tiếng Anh trước nay đã là ngôn ngữ quốc tế, được ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực và trở thành ngoại ngữ thứ nhất từ rất lâu ở nước ta, tại sao bây giờ lại chọn thêm tiếng Nga và tiếng Trung Quốc vào nhóm ngoại ngữ thứ nhất?
Đã bắt đầu mường tượng ra cái sự tít mù rồi lại vòng quanh trong quyết định của Bộ GD-ĐT. Trước đây, trong hàng chục năm liên tục, cả nước học tiếng Nga rồi sau đó lại thôi; trừ một số lĩnh vực đặc thù, đa số các lĩnh vực còn lại bao nhiêu vốn liếng tiếng Nga phải bỏ phí, quên sạch. Còn tiếng Trung Quốc được dùng nhiều nhưng không phổ dụng bởi đó chỉ là ngôn ngữ của một nước đông dân nhất thế giới, vậy cớ sao phải đưa lên nhóm ngoại ngữ thứ nhất?
Với thực tế tại Việt Nam, tiếng Anh cứ nên là ngoại ngữ bắt buộc sau tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt); còn lại, học sinh thích thêm ngoại ngữ nào thì tự chọn. Có thể thấy trước rằng nếu như bị bắt buộc phải học tiếng Nga/tiếng Trung Quốc vì là ngoại ngữ thứ nhất thì phụ huynh cũng chắc chắn sẽ cho con mình học thêm tiếng Anh bởi sự cần thiết, đa dụng không thể từ bỏ của nó. Khi đó, áp lực lại dồn lên học sinh và hiệu quả dạy - học sẽ kém đi.
Và, lại phải tốn kém rất nhiều cho giáo trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất dạy các ngoại ngữ bắt buộc mới trong khi hiệu quả thì còn phải chờ rất lâu mới đánh giá được.
Kế hoạch khó hiểu của Bộ GD-ĐT khiến người ta đặt vấn đề có phải làm như thế để khỏa lấp đi sự thất bại ban đầu của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020”. Theo mục tiêu đề án này đặt ra, tới năm 2020 sẽ có 100% học sinh lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm với tổng kinh phí 9.378 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2016, cả nước mới chỉ có 1.617.022 học sinh lớp 3, 4, 5 trên tổng số 7.784.685 được học tiếng Anh 4 tiết/tuần; còn lại chủ yếu mới chỉ được làm quen với tiếng Anh thời lượng 2 tiết/tuần. Như vậy, so với mục tiêu trên, hiện tại mới chỉ đạt được 20%. Sau 8 năm thực hiện mà kết quả yếu kém như thế, lại “nướng” tới gần 9.400 tỉ đồng, thật không thể hiểu nổi!
Làm như thế thì có nói kiểu gì cũng khó thuyết phục. Tại sao học sinh không nghe - nói - đọc - viết được tiếng Anh sau cả chục năm học ở trường ra? Chưa trả lời được câu hỏi này thì Bộ GD-ĐT làm ơn đừng thí điểm, thể nghiệm gì thêm nữa…!
Bình luận (0)