xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dễ bị hại bởi người tâm thần

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Khoảng 200.000 người Việt Nam bị tâm thần nặng trong khi các cơ sở chăm nuôi chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu. Sống chung với cộng đồng, họ rất dễ gây án khi bị kích động

Vụ án kinh hoàng do Phạm Duy Quý ở thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương gây ra khiến 4 người trong gia đình hung thủ này thiệt mạng đang khiến dư luận rùng mình. Càng đáng lo hơn khi theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện có hàng trăm ngàn người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng đang đi lang thang hoặc bị nhốt, xích tại nhà.

154.000 người tâm thần nặng đang ở ngoài xã hội

Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết số người rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam chiếm khoảng 10% dân số, tương đương với gần 9 triệu người. Trong đó, người tâm thần nặng chiếm khoảng 2,5%, tương đương với 200.000 người. Đáng lo ngại là trong số đó có đến khoảng 154.000 người có hành vi gây nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng như đập phá tài sản, đánh người... Tuy nhiên, hiện cả nước mới có 26 trung tâm chăm nuôi cho 10.000 đối tượng, đáp ứng chỉ 5% nhu cầu. “Các trung tâm cũng chỉ là nơi nuôi dưỡng lâu dài, nuôi dưỡng cho đến chết chứ chưa đầu tư vào việc chia sẻ tâm lý, phục hồi chức năng cho người tâm thần” - ông Đức nhận định.

Bệnh nhân tâm thần (bìa trái) đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1
Bệnh nhân tâm thần (bìa trái) đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1

Còn theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương  1, Trưởng ban điều hành dự án phòng chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng - Bộ Y tế, tỉ lệ liên quan đến người tâm thần thực tế cao hơn nhiều. Theo một số nghiên cứu, có 15% dân số Việt Nam (khoảng 13 triệu người) mắc 10 loại rối loại tâm thần thường gặp. Người bệnh tâm thần mạn tính đang được đặc biệt quan tâm chiếm 0,8% dân số (tương đương 730.000 người), trong đó tâm thần phân liệt chiếm 0,5% (430.000 người), động kinh chiếm 0,33% (290.000 người). Không chỉ tăng tỉ lệ người mắc bệnh tâm thần, hiện các vụ do những bệnh nhân này gây ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Cần cưỡng chế điều trị

Bác sĩ La Đức Cương cho biết người bị bệnh tâm thần phân liệt cần phải được điều trị và theo dõi lâu dài. Nhưng trên thực tế hiện có 80% bệnh nhân tâm thần mạn tính được quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng xã/phường. Tuy nhiên, ngay cả khi được theo dõi và điều trị bằng thuốc thì vẫn có tới 50% hay tái phát, 25%-30% thỉnh thoảng tái phát. Điều đáng lo là số bệnh nhân tâm thần trẻ tuổi (dưới 25 tuổi) đang gia tăng. Nguyên nhân một phần là do nghiện rượu, ma túy, cờ bạc hoặc game... “Những người nghiện game thường rơi vào trạng thái ảo giác, hoang tưởng hoặc thay đổi tính cách, hành vi hoàn toàn. Đã có nhiều vụ cướp của, giết người dã man do những người nghiện game gây ra. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ chỉ chấp nhận cho con họ đi cai nghiện game khi “không thể chịu nổi” - ông Cương nêu thực trạng.

Nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý người tâm thần ở cộng đồng hiện nay rất khó mà một trong những nguyên nhân là do xã hội còn định kiến với người bị bệnh tâm thần dẫn đến thiếu quan tâm, chăm sóc họ. Mặt khác, nhiều gia đình có người mắc bệnh không đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị mà thường tự điều trị ở nhà hoặc bỏ mặc. Thậm chí có nhiều gia đình còn từ chối cung cấp thông tin hoặc giấu tình trạng của người bệnh.

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết bệnh viện chỉ tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân bị tâm thần ở giai đoạn cấp tính. Sau khi bệnh nhân ổn định thì cho họ về với gia đình. Dù vậy, trước nhiều vụ án liên quan đến người tâm thần, bác sĩ Thắng cho rằng cần sớm xây dựng hệ thống luật về sức khỏe tâm thần với các điều khoản cưỡng chế người bị tâm thần nặng đi điều trị và giao cho địa phương chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, người nhà cũng phải được tuyên truyền để hiểu biết về bệnh tâm thần để có ứng xử phù hợp, nhất là khi bệnh tái phát. Cụ thể, người bệnh sẽ có biểu hiện mất ngủ, ăn không ngon, cư xử lạ, nói lảm nhảm, uy hiếp, đe dọa người khác, hay kêu chán đời, buồn bực, trốn tránh người khác, ánh mắt lờ đờ hoặc giận dữ…  

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng mới chỉ quản lý những người tâm thần phân liệt và động kinh chứ chưa quan tâm đến các chứng trầm cảm, rối loạn hành vi, tâm thần do nghiện… 

 

Hung thủ Phạm Duy Quý tự tử

Khoảng 14 giờ ngày 4-8, Phạm Duy Quý (SN 1993, kẻ chém chết 4 người thân trong gia đình ở tỉnh Hải Dương) đã chết trong nhà tạm giữ của Công an tỉnh Hải Dương trong tư thế treo cổ. Bước đầu, công an xác định Quý đã dùng màn tuyn để tự tử.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, tối 2-8, Phạm Duy Quý đã dùng dao rựa chém chết 4 người trong gia đình mình, gồm: Ông Phạm Duy Tuấn (SN 1963, bố), bà Nguyễn Thị Thơm (SN 1968, mẹ), Nguyễn Thị Lan (SN 1932, bà nội) và chị Phạm Thị Hằng (SN 1987, chị họ). Sau khi gây án, Quý mang theo con dao gây án chạy xe máy đến Công an huyện Thanh Hà tự thú. Trên đường đi, Quý bị tai nạn ngã ra đường khiến con dao văng mất. Bỏ con dao, Quý lên xe máy tiếp tục đến trụ sở công an huyện.

Quý khai với công an: Hồi Quý chừng 3-4 tuổi, bố mẹ hay dọa bán Quý cho người khác nên y tức giận và có ý định giết họ. Khoảng 5-6 ngày trước khi ra tay, Quý đã mài nhọn đầu 1 que sắt và giấu trên ô cửa của gia đình, định làm hung khí sát hại bố mẹ nhưng sau đó y không thực hiện. Hôm xảy ra án mạng, Quý từ nhà lên thị trấn Thanh Hà để chơi game, buổi trưa không về. Đến 13 giờ, bố mẹ gọi và Quý không nghe máy. Đến 18 giờ cùng ngày, Quý về đến nhà thì bị mẹ mắng chửi nên bực tức và gây ra chuyện tàn ác.

Tr.Đức

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo