Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng thảo luận và thông qua chủ trương ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII, thông qua dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XII.
Trung ương cho ý kiến, trình Quốc hội
Về việc tham gia TPP, sau hơn 5 năm đàm phán với 30 phiên làm việc cấp chuyên gia và hơn 10 cuộc đàm phán cấp bộ trưởng, ngày 5-10-2015, Việt Nam và 11 nước châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán.
Tại hội nghị này, Bộ Chính trị trình Trung ương về việc chuẩn bị ký kết TPP để Trung ương xem xét, quyết định.
Theo TTXVN, phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một số nội dung để Trung ương thảo luận, như: cho ý kiến về kết quả đàm phán; phân tích, đánh giá tác động khi tham gia TPP; nêu rõ những tác động tổng thể cũng như cụ thể về chính trị và an ninh quốc gia, những thuận lợi và thời cơ, các khó khăn và thách thức; những vấn đề đặt ra liên quan đến điều chỉnh luật pháp, chính sách, biện pháp như nêu trong Báo cáo và Tờ trình của Bộ Chính trị.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cho chủ trương về việc chính thức ký kết TPP; chuẩn bị trình Quốc hội phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch, Chương trình hành động thực thi hiệp định, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Giới thiệu trường hợp “đặc biệt” tái cử
Tại Hội nghị Trung ương 12 và Hội nghị Trung ương 13 (khóa XI), BCH Trung ương đã quyết định những nội dung quan trọng của công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XII, bao gồm: Việc đề cử các nhân sự mới tham gia lần đầu (cả chính thức và dự khuyết); đề cử các Ủy viên Trung ương khóa XI tái cử khóa XII và đề cử nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII. Tại Hội nghị Trung ương 13, các Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI đã viết phiếu giới thiệu các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong độ tuổi ứng cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và nhà nước.
Sau Hội nghị Trung ương 13, trên cơ sở kết quả giới thiệu của BCH Trung ương, ý kiến giới thiệu của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ và thống nhất giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII bao gồm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong độ tuổi và trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII.
Tiếp thu ý kiến của Trung ương tại Hội nghị Trung ương 13, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị cũng đã nghiên cứu, xem xét, cân nhắc và đề nghị giới thiệu thêm một số Ủy viên Trung ương khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XII.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu Tờ trình của Bộ Chính trị một cách kỹ lưỡng, thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh Báo cáo công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XI trình Đại hội XII; đồng thời xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XII.
“Hội nghị Trung ương lần này thời gian họp không dài nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng ta đang bàn và quyết định những phần việc còn lại để tiếp tục chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và đề nghị các ủy viên Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đất nước; tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thành tốt nội dung, chương trình đề ra.
Đảng phải mạnh tay với chính mình
Không những tôi mà toàn thể người dân đang rất kỳ vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chọn được những người có tâm, tầm và tài để đủ sức lãnh đạo đất nước đi lên. Nghị quyết Trung ương IV đã nhận dạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức. Đảng đã nhận thức được vấn đề nhưng quan trọng là Đảng làm điều đó như thế nào. Người dân đang nhìn, theo dõi, xem Đảng sửa như thế nào. Muốn sửa, trước tiên là nội bộ Đảng với nhau phải sòng phẳng, đúng, sai, hay, dở, tốt, xấu phải rõ ràng. Đảng phải mạnh tay xử lý những cá nhân “hư”.
Thêm nữa là dựa vào dân để xây dựng Đảng. Văn kiện Đại hội Đảng không chỉ là văn kiện của riêng Đảng mà là của dân. Đó mới đúng là “ý Đảng, lòng dân”. Nghị quyết Đảng phải là tiếng nói của dân chứ không thể là tiếng nói của cấp ủy, của riêng Đảng. Nếu làm được như vậy thì khi đưa nghị quyết vào cuộc sống chắc chắn dân sẽ đồng tình.
Muốn gần dân, cán bộ phải “vi hành”
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ta đã làm được một khối lượng công việc rất lớn trên nhiều mặt của đất nước nhưng cũng còn nhiều việc dân than phiền. Tôi mong thế hệ lãnh đạo mới “vi hành” nhiều để gần dân hơn nữa. Hiện tượng “sợ” dân đang ngày càng phổ biến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là điều rất đáng lo ngại. Có gần dân, cán bộ mới hiểu lòng dân đang muốn gì, đang như thế nào chứ không chăm chăm vào báo cáo của cấp dưới. Tôi rất kỳ vọng thế hệ lãnh đạo mới sẽ làm được những điều như thế.
Dùng lá phiếu chọn người xứng đáng
Đại hội Đảng toàn quốc XII sẽ quyết định đường lối, chủ trương, chính sách để đưa đất nước hội nhập, phát triển. Để làm được điều này, vấn đề cốt lõi là đại hội phải bầu ra được BCH Trung ương khóa XII tiêu biểu cho phẩm chất, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.
Vừa qua, đại hội các cấp đã bầu được những đại biểu ưu tú về dự Đại hội Đảng toàn quốc. Tôi tin tưởng với trách nhiệm của mình trước Đảng, nhân dân, các đại biểu sẽ không để chủ nghĩa cá nhân, nhất là lợi ích nhóm chi phối. Các đại biểu hãy dùng lá phiếu của mình bầu chọn những người thực sự có phẩm chất, đạo đức và tài năng tiêu biểu để đưa vào BCH. Nước ta thời nào cũng có nhân tài, chỉ cần với một tấm lòng thật sự vì Đảng, vì dân, vì nước thì các đại biểu sẽ lựa chọn đúng đắn và sẽ đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của người dân.
Mong gắn kết nhiều hơn với ngân hàng
Ngành dệt may đang đứng trước kỳ vọng rất lớn khi được đánh giá sẽ hưởng lợi từ việc ký kết Hiệp định TPP. Nếu trước đây, các doanh nghiệp trong ngành hoạt động với tâm lý “liệu cơm gắp mắm” bởi làm gia công là chủ yếu thì nay, nhiều doanh nghiệp đã ý thức hơn việc phải cải tiến và chuyển dần sang các phương thức kinh doanh đem lại giá trị gia tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang rất thiếu vốn, tiềm lực yếu nên mong muốn được hỗ trợ vốn nhiều hơn từ ngành ngân hàng. Hy vọng sắp tới có sự gắn kết nhiều hơn với các ngân hàng để có tiềm lực đầu tư đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động, đáp ứng các quy định, yêu cầu trong TPP về sở hữu trí tuệ và lao động.
Ph.Anh - T.Phương ghi
Bình luận (0)