Thực trạng này đã được báo động từ nhiều năm qua nhưng đến nay cơ quan quản lý hầu như chưa có giải pháp nào để hạn chế. Vừa qua, cơ quan chuyên trách đã trình dự Luật Phòng chống tác hại rượu bia nhưng những quy định của dự thảo này đã được các chuyên gia pháp luật đánh giá là không đủ mạnh để kéo giảm sự lạm dụng rượu bia đáng sợ như hiện nay.
Chúng ta đã quá dễ dãi với thức uống có cồn này. Ngay trong quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 đã được phê duyệt, sản lượng bia sản xuất hằng năm sẽ làm không ít người trố mắt. Theo đó, từ năm 2010, sản lượng bia đạt 2,5 tỉ lít mỗi năm; từ năm 2015 đạt 4 tỉ lít mỗi năm và từ năm 2025 đạt 6 tỉ lít mỗi năm. Ồ ạt sản xuất và tung ra thị trường, quảng cáo tràn lan, đại lý bia, nhà hàng và quán nhậu mở đầy ắp từ thành thị cho đến những vùng heo hút thì bảo sao hạn chế được người sử dụng. Đó là chưa kể có nhiều loại bia ngoại vẫn đang được nhập về hằng ngày. Kinh khủng là thế nhưng một lãnh đạo của Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương còn “chê” sản xuất chưa đạt sản lượng quy hoạch (!).
Khánh kiệt cũng vì rượu bia; tan cửa nát nhà cũng vì rượu bia; bệnh hoạn, tai nạn giao thông, giết người cũng vì rượu bia... nhưng các biện pháp ngăn chặn, hạn chế sự lạm dụng đồ uống này vẫn bị xem nhẹ. Đơn cử như việc kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã không được thực hiện rốt ráo. Nếu nghiêm khắc thì hầu hết những người vào quán uống bia rượu đều có thể bị xử lý. Nếu bị kiểm soát chặt, chúng ta tin rằng sẽ có rất nhiều người không dám “uống thả ga” khi ra đường.
Một trong những cách mà các nước áp dụng để giảm tình trạng lạm dụng rượu bia là đánh thuế thật cao và áp dụng điều kiện khắt khe đối với nhà máy sản xuất. Trong khi ở nước ta thì dường như làm ngược lại. Nhiều loại bia rẻ hơn cả sữa! Đồng ý là những nhà máy này đóng góp cho ngân sách không ít nhưng đừng quên những thiệt hại do lạm dụng thức uống đó gây ra. Làm sao cân đo đong đếm được sự mất mát của bao gia đình có người thân chết vì tai nạn giao thông có nguyên nhân từ bia rượu? Tiền nào mua cho được hạnh phúc của bao mái ấm tan nát, bao đứa trẻ thất học, đói kém vì bố mẹ nghiện rượu. Một số người có thể tự bịt mắt để quên đi thực trạng này nhưng hằng ngày, hằng giờ, chúng ta đang trả giá cho nó.
Muốn ngăn chặn sự tàn phá của bia rượu thì pháp luật phải quy định chặt chẽ, các cơ quan thừa hành phải thực hiện nghiêm khắc. Nếu không thì luật cũng chỉ như một gã say rượu, huênh hoang đó nhưng giống con rối, chẳng giải quyết được gì.
Bình luận (0)