Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời căn dặn chí nghĩa, chí tình và cũng là điều mong ước cuối cùng của Bác để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trước lúc Bác đi xa. Đối với mỗi người chúng ta, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là mệnh lệnh thiêng liêng của quốc gia dân tộc mà còn là lương tâm và trách nhiệm công dân đối với vận mệnh của Tổ quốc, với sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh như Bác hằng mong muốn.
Sau 45 năm Di chúc ra đời, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang thực hiện sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế thị trường và công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng… Qua đó, tạo cho đất nước ta một động lực mới, một diện mạo mới; nâng cao uy tín, thế và lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, so với yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa thì chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí là tiêu cực, trong đó “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất…” gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước… Về tình hình này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4: “Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”.
Suốt một thời gian dài, vấn đề tự phê và phê bình trong cán bộ đảng viên còn nặng về hình thức, không ít người né tránh sợ “đấu tranh - tránh đâu”, “dĩ hòa vi quý”, “dễ người - dễ ta” cho yên phận. Phải chăng chúng ta tự mãn, bằng lòng với hiện tại và ta là duy nhất đúng, mặc dù lời dạy của Người luôn văng vẳng bên tai: “Không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới”?
45 năm, đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi đọc Nghị quyết Trung ương 4, đúng là “nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Do đó, không phải vô tình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trước hết nói về Đảng”. Trong Di chúc, Người nhắc nhở: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Nhưng có phải vì chúng ta vô tình hay cố ý hiểu lệch “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” nên cứ làm cho vừa lòng nhau để dẫn tới sự “yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng” như Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra?
“Tự phê bình và phê bình” như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở phải là việc làm nghiêm túc, thường xuyên khi chưa xảy ra tình trạng thoái hóa biến chất; còn khi đảng viên đã “phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” thì phải dựa vào luật pháp, chứ không thể dựa vào “tự phê bình và phê bình” nữa. Được vậy, mới thấy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự hào và khẳng định. Đó cũng là mong muốn của nhân dân.
Bình luận (0)