Ngày 14-7, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (GTVT) gọi tắt là Viện Chiến lược, Bộ GTVT làm việc với Sở GTVT TP HCM về đề án "Kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, kết hợp phát triển hệ thống giao thông công cộng để giảm kẹt xe, ô nhiễm trên địa bàn TP".
Mở rộng khái niệm
Trong đề án nêu trên, Viện Chiến lược mở rộng khái niệm về phương tiện giao thông cá nhân, bao gồm 2 loại: xe chở người và xe chở hàng. Ngoài xe máy, xe đạp, ô tô con, các loại xe tải, xe công vụ, xe ba gác... cũng được đưa vào khái niệm là phương tiện giao thông cá nhân và phải có biện pháp để hạn chế tại TP HCM đến năm 2030.
Báo cáo của Viện Chiến lược nêu vấn đề các loại xe cá nhân như ô tô con và xe máy tại TP đang tăng với tốc độ chóng mặt, hạ tầng giao thông không thể đáp ứng kịp. Viện Chiến lược dẫn chứng với hơn 7 triệu xe máy và gần 500.000 ô tô như hiện nay, nếu cùng đậu trên đường thì diện tích mặt đường của toàn TP sẽ bị chiếm dụng tới 37%. Còn nếu toàn bộ số lượng xe trên lưu thông với tốc độ từ 18-20 km/giờ, diện tích mặt đường sẽ bị chiếm dụng tới 192,8% (vượt năng lực thiết kế của hệ thống đường bộ đến 2 lần). Ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp và nhiều giải pháp như rơi vào bế tắc trước sự gia tăng không ngừng của phương tiện giao thông cá nhân. Trong khi đó, hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của TP lại đang rất hạn chế và kém phát triển khi chưa có các loại hình như xe buýt nhanh hay metro. Vì vậy, việc tăng cường hệ thống VTHKCC kết hợp kiểm soát phương tiện cá nhân là xu hướng tất yếu phải thực hiện.
Hạ tầng giao thông ở TP HCM đang quá tải trầm trọng Ảnh: GIA MINH
Từ việc phân loại xe cá nhân, đề án của Viện Chiến lược nêu ra 3 giải pháp hành chính, tài chính và kỹ thuật mà TP cần giải quyết. Trong đó, giải pháp hành chính là xe lưu hành theo biển số chẵn - lẻ (theo ngày và giờ) cùng việc hạn chế dừng đỗ, cấp phép cho xe lưu thông vào khu vực trung tâm - nơi thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ. Đồng thời, TP cũng cần giới hạn đăng ký xe ở từng quận - huyện, kiểm soát chặt xe công loại nhỏ lưu thông trên đường phố.
Còn về tài chính, đề án nêu vấn đề TP cần thực hiện thu phí chống ùn tắc, đấu giá biển số (đặc biệt là đăng ký, bán đấu giá biển số taxi và quy định chỉ có 1-2 màu với loại xe này để dễ nhận dạng, kiểm tra, xử lý và phân biệt được với các loại xe cá nhân khác...). Về mặt kỹ thuật thì nên áp dụng các giải pháp như trồng cọc tiêu mềm, đặt hộp phân cách, tạo bậc thềm để các loại xe cá nhân, đặc biệt là xe máy không thể lưu thông vào một số tuyến đường.
Tất cả những giải pháp trên, theo Viện Chiến lược, đều phải thực hiện theo từng giai đoạn. Cụ thể, từ nay đến năm 2020, TP nên ưu tiên các giải pháp phù hợp với điều kiện giao thông trước mắt là tăng phí trông giữ xe, hạn chế đỗ xe ở khu vực trung tâm... kết hợp với đẩy mạnh phát triển hệ thống xe buýt. Còn đến năm 2030, TP phải tập trung phát triển các tuyến đường sắt theo quy hoạch, hệ thống xe buýt nhanh… Đặc biệt, phải phân vùng và hạn chế hoạt động của xe máy theo đặc thù, hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống VTHKCC. Đề án cũng đưa ra hướng sẽ cấm xe máy hoạt động từ năm 2030 tại một số khu vực có tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng nếu những giải pháp nêu trên được thực hiện một cách khả thi.
Không rập khuôn theo các nước
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết TP chưa khẳng định sẽ cấm xe máy mà chỉ nghiên cứu cũng như thực hiện các biện pháp nêu trên để kiểm soát việc sử dụng loại phương tiện này cùng các phương tiện giao thông cá nhân khác. "Chỉ khi nào chứng minh được có đủ phương tiện giao thông công cộng cho người dân đi lại thì TP HCM mới tính đến việc cấm xe máy" - ông Cường khẳng định.
TS Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế - đô thị, đánh giá nếu TP phát triển được một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn, văn minh và rẻ hơn xe máy thì người dân sẽ tự động bỏ xe máy để chuyển qua giao thông công cộng. "Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chờ đến lúc có đủ các loại hình giao thông công cộng thì mới bàn chuyện hạn chế và dừng hẳn xe máy vì theo tôi là không bao giờ đến lúc đó" - ông Nam nói.
PGS-TS Phạm Xuân Mai (Trường ĐH Bách khoa TP HCM) đánh giá nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông không phải do nhu cầu đi lại mà là việc sử dụng phương tiện không đúng. Vì vậy, ông Mai cho rằng song song việc hạn chế rồi tiến tới cấm xe máy, TP phải phát triển một mạng lưới xe buýt phù hợp, với khoảng 21.000 xe, gồm cả loại lớn và nhỏ để thích hợp với đặc thù ở các tuyến đường hoặc hẻm nhỏ. Còn theo PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP HCM, để kiểm soát phương tiện cá nhân cần đề cập đến việc xây dựng và quản lý bãi đậu xe cá nhân. Đồng thời, TP phải hướng tới việc cho dừng hoạt động của xe máy vào khoảng năm 2030 cũng như có chính sách thu mua xe máy cũ của người dân. Ông Hoàng cũng cho rằng trước mắt, các đơn vị phải phân loại từng khu vực, trong đó tập trung vào những điểm ùn tắc giao thông để khảo sát và đưa ra giải pháp phù hợp.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết trên cơ sở thực tiễn, đề án trên sẽ được thảo luận kỹ và là bước đầu tìm giải pháp khả thi để Sở GTVT tham mưu cho UBND TP. Tuy nhiên, ông Cường cũng nêu quan điểm Sở GTVT sẽ không rập khuôn theo mô hình của các nước trên thế giới mà căn cứ vào tình hình thực tế ở TP mà quyết.
Hỏi ý kiến người dân
Giám đốc Sở GTVT TP HCM khẳng định sở sẽ phối hợp Viện Chiến lược, UBND các địa phương trên địa bàn TP khảo sát để nắm bắt nhu cầu, thói quen đi lại cũng như quan điểm về các chính sách quản lý giao thông để tiếp tục xây dựng đề án kiểm soát xe cá nhân.
Đặc biệt, dự kiến trong tháng 7-2017 sẽ phát khoảng 30.000 phiếu khảo sát đến từng hộ gia đình để nắm bắt nhu cầu thực của người dân TP.
Bình luận (0)