Ngày 14-1, ông Nguyễn Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Gia Lai, cho biết sở này vừa báo cáo chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai về việc hàng trăm người vào rừng phòng hộ Chư Sê để chặt phá gỗ sao.
“Khó chống đỡ nổi!”
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, thời gian gần đây, người dân xã Bar Maih, huyện Chư Sê kéo nhau vào tiểu khu 1028 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Chư Sê chặt phá rừng gỗ sao trồng theo Chương trình 135 (chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Đỉnh điểm là sáng 11-1, gần 300 người dân vào rừng đốn hạ nhiều cây gỗ trong tiểu khu trên. Sau khi phát hiện vụ việc, BQLRPH Chư Sê phối hợp với lực lượng công an, kiểm lâm tổ chức ngăn chặn. Đến cuối giờ chiều, trước sự vận động của nhiều cơ quan chức năng, người dân mới dừng tay, trở về nhà.
Theo ông Nhĩ, ngay sau khi nhận báo cáo về vụ việc này, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền huyện Chư Sê vào cuộc điều tra, làm rõ. “Với hàng trăm người phá rừng như thế, rõ ràng là có vấn đề nhưng cụ thể như thế nào thì chờ cơ quan điều tra kết luận; khi đó mới làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra vụ việc nghiêm trọng này” - ông Nhĩ nói.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, cho biết sáng 14-1, bí thư Huyện ủy Chư Sê đã tổ chức cuộc họp khẩn để chỉ đạo điều tra. Cùng ngày, Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với huyện Chư Sê thành lập tổ công tác đặc biệt vào khu vực rừng sao bị chặt phá, bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường để phục vụ điều tra. “Theo Công an huyện Chư Sê báo cáo, đã xác định được 5 đối tượng cầm đầu trong vụ phá rừng này” - ông Tâm khẳng định.
Đề cập nguyên nhân cũng như trách nhiệm của những người có liên quan, ông Tâm cho rằng có thể có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có 2 nguyên nhân đã thấy rõ. Thứ nhất, việc cho phép chuyển một số diện tích rừng phòng hộ cao su theo Chương trình 135 sang trồng cà phê, hồ tiêu khiến nhiều người dân nơi đây mất việc làm nên bức xúc chặt phá rừng gỗ sao để lấy đất sản xuất. Vụ việc kéo dài từ BQLRPH Chư Sê nhiệm kỳ trước nhưng không được giải quyết. Thứ hai, BQLRPH Chư Sê không sâu sát vụ việc nên mới để xảy ra như vậy. “Hàng trăm người đổ vào rừng chặt cây, trong khi lực lượng của BQLRPH Chư Sê chỉ 8-9 người thì rõ ràng khó chống đỡ nổi!” - ông Tâm nói thêm.
Cũng theo ông Tâm, lãnh đạo huyện Chư Sê đã yêu cầu BQLRPH Chư Sê báo cáo chi tiết vụ việc. Tuy nhiên, ban đầu, đơn vị này báo cáo chỉ có vài hecta bị người dân chặt hạ. “Tôi không đồng ý vì trực tiếp xuống hiện trường và thấy rất nhiều. Sau đó, BQLRPH báo cáo lại là có 9,64 ha bị người dân chặt phá” - ông Tâm thông tin.
Thờ ơ quản lý
Trong khi đó, ở tỉnh Quảng Nam, tình trạng người dân phá rừng làm rẫy diễn ra dai dẳng nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng với diện tích rừng bị phá lên đến hàng ngàn hecta mỗi năm. Điển hình, tại xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, từ năm 2008 đến nay, có 38 hộ gia đình và cá nhân phá rừng nguyên sinh để trồng keo, cao su tại các tiểu khu giáp ranh huyện Hiệp Đức với diện tích hàng trăm hecta. Bà Nguyễn Thị Bích Xinh, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng nhiều diện tích rừng bị phá để làm rẫy sát với rừng phòng hộ. “Chúng tôi đang kiến nghị lên UBND huyện chỉ đạo phối hợp giải quyết triệt để, thu hồi đất, phân loại đối tượng để xử lý” - bà Xinh nhấn mạnh.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, trong năm 2015, lực lượng kiểm lâm mở nhiều đợt ra quân tuần tra, truy quét, qua đó đã phát hiện, xử lý trên 1.000 vụ vi phạm. Theo cơ quan này, tính đến tháng 9-2015, có 274 vụ phá rừng; lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép với diện tích 4.072,12 ha bị phát hiện. Tình trạng phá rừng diễn ra ở khắp lâm phận của tỉnh Quảng Nam.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thừa nhận nguyên nhân để xảy ra tình trạng phá rừng là do lãnh đạo một số hạt kiểm lâm chưa chủ động làm việc với UBND các xã để nắm bắt tình hình địa bàn; thiếu kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện của cán bộ, viên chức được giao nhiệm vụ. Bên cạnh đó, kiểm lâm phụ trách địa bàn, các ban quản lý rừng chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, từ đó để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép…
Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê phải chịu trách nhiệm
Ông Nay Vân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê, cho rằng cần có biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng người dân vào rừng phòng hộ chặt phá để lấy đất sản xuất như thời gian vừa qua ở huyện Chư Sê. Theo ông Vân, BQLRPH Chư Sê phải chịu trách nhiệm về việc để cho các hộ dân tự ý chuyển đổi trồng cây cao su sang trồng các loại cây khác bởi từ việc này mà người dân vi phạm lâm luật. H.Thanh
Bình luận (0)