Dù đã hơn 7 tháng nhưng vụ tai nạn ngạt khí lò vôi khiến 8 người chết xảy ra tại thôn 1, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa vào chiều 1-1 vẫn khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng.
Vụ việc thương tâm xảy ra tại lò vôi của gia đình ông Lê Văn Thong (SN 1959) và vợ là bà Lê Thị Nguyên (SN 1963; ngụ thôn 1, xã Hoàng Giang). Chiều 1-1, khi mọi người đã xếp được khoảng 2/3 nguyên liệu (đá và than) vào lò, ông Thong châm lửa còn ông Phạm Văn Tuyên (SN 1963) tiếp tục xếp nguyên liệu bên trên cho đầy. Khi đang xếp nguyên liệu thì bất ngờ ông Tuyên ngất xỉu, ông Thong hô hoán để mọi người biết, còn mình thì lao vào cứu nạn nhân.
Không thấy ông Tuyên và ông Thong ra, mọi người xung quanh (gồm vợ, con ông Thong và những người đang làm ở lò vôi bên cạnh) chạy vào cứu thì lần lượt ngất xỉu. Phát hiện sự việc, người dân đã phá cửa lò vôi, lấy quạt thổi khí và nhanh chóng đưa các nạn nhân tới bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, đến 19 giờ cùng ngày, 8 nạn nhân tử vong, chỉ còn vợ ông Thong là may mắn thoát chết.
Trở lại hiện trường nơi xảy ra vụ ngạt khí, chúng tôi vẫn thấy người dân nơi đây hì hục làm việc. Gương mặt ai cũng trắng nhợt màu vôi. Theo một người dân ở thôn 2, xã Hoàng Giang, từ ngày lò vôi nhà ông Thong xảy ra tai nạn, việc sản xuất vôi thủ công đã bị chính quyền cấm nhưng họ vẫn làm. “Đây là nghề kiếm cơm nên người dân vẫn lén lút hoạt động, bất chấp nguy hiểm” - người này lý giải.
Nhắc lại vụ việc đau lòng, ông Lê Xuân Hiếu (người dân địa phương) cho biết gia đình ông Thong là đáng thương nhất vì có tới 3 người gặp nạn (ông Thong và 2 con gái tử vong, trong đó 1 người đang mang thai). “Nói là ông chủ cho oai chứ nghề phá đá nung vôi khổ lắm, toàn những người nghèo khổ, cuộc sống khó khăn nên họ mới bám lấy nó” - ông Hiếu cám cảnh.
Những năm gần đây, tần suất các vụ tai nạn lò vôi xảy ra ngày càng cao, tập trung ở Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh… - những địa phương vẫn tồn tại hoạt động khai thác vôi bằng biện pháp thủ công. Gần đây nhất, ngày 4-7, tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã xảy ra một vụ sập lò vôi khiến 5 người thiệt mạng. Trong vụ tai nạn này, tang thương nhất là trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Văn (ngụ thị trấn Phú Thứ), chủ lò vôi. Cùng lúc, nhà ông mất đi 2 người thân là anh Nguyễn Văn Luân (25 tuổi, con ruột) và anh Trần Văn Dũng (27 tuổi, con nuôi).
Theo đánh giá của cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hải Dương, công tác khám nghiệm cho thấy hầu hết các vụ tai nạn lò vôi đều xác định nguyên nhân chính là do không bảo đảm độ an toàn vì không có các thiết bị công nghệ để hỗ trợ quá trình sản xuất. Bên cạnh những tác động trực tiếp từ việc sản xuất vôi thủ công đến hoa màu, cây cối thì nguy cơ bệnh tật với con người rất cao, đặc biệt là căn bệnh ung thư. Trong khi chính quyền địa phương còn đang lúng túng, chưa biết cách quản lý như thế nào đối với những lò vôi thủ công này thì người dân ở đây vẫn hằng ngày phải chịu cảnh khói bụi và ô nhiễm môi trường.
Theo lộ trình, đến năm 2020, cả nước sẽ xóa sổ toàn bộ các lò vôi hoạt động bằng phương pháp thủ công truyền thống. Thời gian dẹp bỏ những lò vôi này còn khá dài, trong khi chúng vẫn vô tư xả ra môi trường khí thải, khói bụi độc hại, đó là chưa kể những vụ tai nạn lao động trong quá trình khai thác, sản xuất.
Sản sinh khí cực độc
PGS-TS Đỗ Quang Trung, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, cho biết trong quá trình nung đá vôi bằng than, khi đạt đến nhiệt độ nhất định sẽ sản sinh ra các khí CO2, CO, NOx. Trong đó, CO và NOx là những loại khí cực độc, khi hít một lượng nhất định thì có thể không cử động được, chết não. Những loại khí này không có màu, không mùi nên nạn nhân thường không thể nhận biết.
“Người lao động lại không được trang bị kiến thức và thiết bị bảo hộ trong môi trường độc hại. Cho dù không hít nhiều lượng khí cùng lúc nhưng làm việc lâu trong môi trường độc hại, khí CO, NOX tích tụ trong cơ thể, cộng với lượng hạt vôi bột cực nhỏ thẩm thấu vào đường hô hấp thì chắc chắn sẽ để lại nhiều chứng bệnh hiểm nghèo” - ông Trung khuyến cáo.
Bình luận (0)